Áp lực lớn, giá vàng "chật vật" tìm lại đà tăng

ANTD.VN - Dù chịu áp lực lớn từ thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng giá vàng thế giới và trong nước vẫn nhích tăng, dù biên độ tăng rất hẹp và không thể vượt qua ngưỡng tâm lý 1.500 USD/ounce.

Trong nước, sáng nay giá vàng quay đầu tăng nhẹ. Vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) 41,48 – 41,75 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 41,48 – 41,77 triệu đồng/lượng (Hà Nội), tăng 40 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, tăng 30 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Tại các tổ chức kinh doanh vàng lớn khác, giá vàng cũng chỉ nhích tăng quanh mức 30 – 50 nghìn đồng/lượng, giao dịch quanh 41,55 – 41,75 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng đêm qua đã có lúc chạm 1.495 USD/ounce nhưng sau đó nhanh chóng giảm trở lại. Tới sáng nay, tại thị trường châu Á, vàng giao ngay đang giao dịch quanh 1.489 USD/ounce.

Giá vàng đã chịu sức ép lớn kể từ đầu tuần

Giá vàng đang chịu sức ép từ thị trường chứng khoán toàn cầu khi các chỉ số đều giao dịch gần mức cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, các tin tức kinh tế địa chính trị lại không ủng hộ giá vàng. Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dường như đang tiến triển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý về một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể được ký kết vào đầu tháng tới.

Tình hình Brexit vẫn còn trong tình trạng lấp lửng trong tuần này khi Quốc hội Anh đang chuyển sang trì hoãn một cuộc bỏ phiếu cho dự thảo thỏa thuận Brexit.

Trong khi đó, giá dầu thô Nymex vững chắc hơn trong giao dịch đầu tuần, chỉ số đô la Mỹ tăng nhẹ sau khi xuống mức thấp nhất trong 9 tuần vào thứ Hai.

Trong khi nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vòng về triển vọng dài hạn của giá vàng thì không ít ý kiến lại cho rằng “cuộc biểu tình” của kim loại quý sẽ sớm kết thúc và rơi về mức khoảng 1.350 USD vào năm 2020.

Trong ngắn hạn, triển vọng của giá vàng sẽ sáng sủa hơn một chút cho đến cuối năm 2019, khi vàng vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự bất ổn kinh tế, căng thẳng địa chính trị gia tăng và kỳ vọng lãi suất của Mỹ giảm.