Ấn Độ đột ngột thay đổi chính nhập khẩu hương nhang, hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng

ANTD.VN - Bộ Công Thương đánh giá, việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu hương nhang đột ngột (có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo) đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp sản xuất hương nhang của Việt Nam bị tồn kho, buộc ngừng sản xuất

Theo quy định mới của Ấn Độ, từ ngày 31-8-2019, việc nhập khẩu hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Do Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính (không có thị trường thay thế) của Việt Nam nên quyết định này khiến hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam gặp khó khăn.

Các doanh nghiệp đã phải ngừng vận chuyển công hàng theo hợp đồng. Trong khi đó, tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của Ấn Độ trong tháng 10 nên các doanh nghiệp của Việt Nam đều tập trung nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu để sản xuất hàng.

Lượng hàng tồn kho rất lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế. Nhà xưởng phải tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và việc làm, đời sống của hàng nghìn công nhân.

Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 công hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018-2019 là 76,85 triệu USD), chiếm khoảng 90% thị phần nhập khẩu của Ấn Độ đối với mặt hàng này.

Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân của việc áp dụng hạn chế nhập khẩu của Ấn Độ đối với hương nhang có thể xuất phát từ việc giá thành hương nhang của Việt Nam quá rẻ (giá CIF 600-650 USD/tấn) so với giá thành sản phẩm sản xuất của Ấn Độ, làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất hương nhang, khiến nhiều doanh nghiệp của Ấn Độ phải đóng cửa trong thời gian vừa qua.