350.000 đồng/bình gas nhưng gần 100.000 đồng là chi phí bán hàng

ANTD.VN - Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, chi phí bán hàng của mặt hàng gas đang quá cao, chiếm tới 40% giá bán của bình gas.

Giá gas có thể hạ nếu chi phí bán hàng giảm

Ông Đỗ Trọng Hiếu- Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại (Vụ thị trường trong nước- Bộ Công Thương) cho biết, một trong những vấn đề nổi cộm của thị trường gas hiện nay là tình trạng chi phí bán hàng quá cao.

Theo đó, khi thương nhân đầu mối giao gas cho cửa hàng bán lẻ, cửa hàng được chiết khấu từ 60.000-70.000 đồng/bình. Từ cửa hàng giao đến người sử dụng, chi phí vận chuyển là 20.000-25.000 đồng/bình. Như vậy, nếu bình gas có giá 350.000 đồng, riêng chi phí bán hàng đã lên tới gần 100.000 đồng, bằng khoảng 40% giá bán bình gas. Đây là điều bất hợp lý và thiệt thòi đối với người tiêu dùng.

Bình luận về thực trạng này, một chuyên gia kinh tế cho hay: “Chi phí bán hàng, vận chuyển cao, chiếm tỷ lệ lớn trong giá gas không phải mới diễn ra. Thực tế, từ năm 2013, khi giá gas biến động mạnh, có lúc tăng đến gần 80.000 đồng/bình 12kg, chi phí bán hàng cao bất hợp lý đã được chỉ rõ. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt”.

Về thị trường gas, vị chuyên gia này cho rằng, tính cạnh tranh đã được thể hiện rõ hơn ở việc có nhiều đầu mối và đại lý bán hàng. Giá gas của mỗi hãng cũng chênh lệch đến vài chục nghìn đồng/bình. Mặc dù vậy, sự cạnh tranh này vẫn chưa hoàn toàn và chưa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng.

“Không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp “lách luật”, chạy đua chiết khấu để giành thị trường nên “hoa hồng” không thể giảm xuống”- vị chuyên gia nhận định.

Đại diện Bộ Công Thương còn chỉ ra một điểm bất hợp lý khác trong giá bán lẻ gas hiện hành, là mặc dù 45% gas cung cấp cho thị trường được sản xuất ở trong nước, song giá gas lại phụ thuộc hoàn toàn vào giá khí hóa lỏng (LPG) nhập khẩu. Giá LPG thế giới tăng, lập tức giá gas trong nước tăng tương ứng và ngược lại.

Trong khi đó, giá nhập khẩu lại chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố như: chi phí vận chuyển từ các nước về Việt Nam, tỷ giá, thuế suất… Vì vậy, định giá bán lẻ gas trong nước hoàn toàn theo giá nhập khẩu là chưa phù hợp.

Gas sản xuất trong nước hiện đang được cung cấp từ 3 cơ sở: nhà máy xử lý khí Dinh Cố, nhà máy lọc dầu Dung Quất và công ty Phương Đông. Ngoài ra, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng sản xuất LPG nhưng chủ yếu để sử dụng nội bộ.

Việt Nam hiện nhập khẩu gas từ 17 quốc gia, trong đó sản lượng lớn nhất là Trung Quốc, Quatar, Ả rập Xê Út và các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Theo các chuyên gia, thị trường gas Việt Nam có tốc độ phát triển lớn và còn nhiều tiềm năng. Nếu như năm 1999, sản lượng gas là 202 nghìn tấn thì đến năm 2017, sản lượng đã tăng lên 1,9 triệu tấn. Nhưng so với nhiều nước, sản lượng tiêu thụ gas của Việt Nam vẫn thấp.

Theo TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, mặc dù hiện nay nhiều hộ gia đình đã sử dụng điện thay thế cho gas trong sinh hoạt, nhưng nhìn chung, trong 30-40 năm tới, năng lượng truyền thống như gas vẫn giữ vai trò quan trọng. Vì vậy, cạnh tranh trên thị trường gas cần sòng phẳng, công bằng hơn để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.