30% doanh nghiệp vẫn phải "lót tay" cán bộ kiểm tra

ANTD.VN - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp vẫn than phiền vì chi phí “lót  tay” còn lớn.

Doanh nghiệp vẫn phải "lót tay" cán bộ thanh tra

Ngày 17-12, VCCI đã công bố Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, trong năm qua, nhiều bộ ngành, địa phương đã có cải cách đáng kể, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, “cải cách hành chính còn khấp khểnh". "Có bộ ngành địa phương làm tốt nhưng còn có những địa phương làm chậm, thờ ơ, không hiệu quả. Việc cải cách trong thuế, tiếp cận tín dụng đã có nhiều tích cực, tuy nhiên ngay cả ở những lính vực có cải cách lớn thì khoảng cách với khu vực vẫn còn xa”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, về tổng quan, môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện. Các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ thành phố lớn đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa đều đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh. Trong đó, thủ tục xin thành lập doanh nghiệp và thủ tục thuế được đánh giá có nhiều cải thiện nhất.

Cụ thể, theo khảo sát của VCCI, thời gian làm thủ tục nộp thuế một năm giảm từ 498 giờ còn 384 giờ. Nhưng kết quả này của Việt Nam vẫn gấp đôi mức bình quân các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 173 giờ). Thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được 74% doanh nghiệp hài lòng. Ngược lại, thủ tục phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá ít chuyển biến.

Đáng chú ý, chi phí “lót tay” trong thanh tra, kiểm tra thuế mặc dù có giảm so với năm trước nhưng vẫn có 30% doanh nghiệp cho biết phải trả khoản này cho cán bộ thanh tra.

Nguyên nhân một phần do doanh nghiệp có sai phạm nên muốn “giảm nhẹ tội”. Tương tự, trong việc tiếp cận vốn tín dụng, gần 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng nếu muốn được vay vốn.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh của nhiều Bộ, ngành đã đạt trên 50%; Quá trình xây dựng, thẩm định văn bản mới được các Bộ, ngành chú trọng hơn vào yếu tố kiểm soát sự ban hành mới các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo đó, nếu như năm 2017 có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện thì năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 48%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm từ 42% xuống còn 34%.

“Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận thì với 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh vẫn ở mức cao. Vì nếu nhân con số này với hơn 714 nghìn doanh nghiệp hiện nay thì tức là có đến gần 350 nghìn doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cải cách đang có xu hướng chững lại trong năm 2019.

"Cần liên tục tập hợp được các vấn đề của doanh nghiệp. Từ nay trở đi không thể ngồi chờ 1 sự cải cách mà chỉ có đòi hỏi, ép buộc mới có sự thay đổi. Nếu không có thúc đẩy, ép buộc, đòi hỏi thì khả năng thay đổi rất khó”- ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.