1 tỷ USD trái phiếu chính phủ sẽ "xuất ngoại" 

(ANTĐ) - Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua đề án phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế. Hệ số tín nhiệm của Việt Nam đang tăng hứa hẹn mức lãi suất “khá” hơn lần phát hành 750 triệu USD vào năm 2005. Theo tính toán của Bộ Tài chính, mọi công tác chuẩn bị sẽ được hoàn tất để 1 tỷ USD có thể “xuất ngoại” vào tháng 9 tới.

1 tỷ USD trái phiếu chính phủ sẽ "xuất ngoại" 

(ANTĐ) - Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua đề án phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế. Hệ số tín nhiệm của Việt Nam đang tăng hứa hẹn mức lãi suất “khá” hơn lần phát hành 750 triệu USD vào năm 2005. Theo tính toán của Bộ Tài chính, mọi công tác chuẩn bị sẽ được hoàn tất để 1 tỷ USD có thể “xuất ngoại” vào tháng 9 tới.

Lãi suất sẽ hấp dẫn hơn

 Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của đất nước là rất lớn. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5-8%/năm, giai đoạn 2006-2010 Việt Nam cần có khoảng 140 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn trong nước là 91 tỷ USD, phần còn lại dự kiến sẽ huy động bổ sung từ các nguồn vốn bên ngoài. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần khoảng 50-53% (khoảng 70 tỷ USD) vốn huy động bằng ngoại tệ để nhập khẩu máy móc, thiết bị và công nghệ cho các dự án đầu tư.

 Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đây cũng là thời điểm thuận lợi để phát hành trái phiếu của Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế. Cụ thể, hệ số tín nhiệm Moodys vừa nâng đánh giá về triển vọng cho Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” là tiền đề cho việc nâng hạng cho Việt Nam thời gian tới. Bên cạnh đó, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nâng mức phân loại rủi ro cho Việt Nam từ bậc 5 lên bậc 4.

 Trước đó, tháng 10-2005, Chính phủ đã phát hành thành công 750 triệu USD trái phiếu quốc tế lần đầu tiên thời hạn 10 năm với lãi suất 7,125%/năm và cho Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vay lại toàn bộ để thực hiện chương trình hiện đại hóa ngành đóng tàu biển Việt Nam. Nhờ nguồn vốn này, Vinashin đã mở rộng và phát triển kế hoạch sản xuất kinh doanh, nâng tổng giá trị đơn đặt hàng lên tới 5,671 tỷ USD cho giai đoạn 2002-2011.

 Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, tình hình giao dịch trái phiếu Việt Nam trên thị trường thứ cấp sau đợt phát hành năm 2005 này cũng rất khả quan. Trái phiếu Chính phủ sau khi phát hành tăng giá liên tục lên 104% (tương đương mức lãi suất 6,4-6,5%) trong suốt thời gian dài và hiện ở mức 107,5% (tương đương lãi suất 5,766%).

 Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ dự kiến vào tháng 9 tới sẽ khả quan hơn lần phát hành đầu tiên.

Doanh nghiệp muốn tự phát hành phải có đủ điều kiện 

Số tiền 1 tỷ USD thu về từ việc phát hành trái phiếu dự kiến sẽ được phân bổ: Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 700 triệu USD; Dự án Thủy điện Xê ca mản 3 của Tổng Công ty Sông Đà 60 triệu USD; Dự án mua tàu vận tải 240 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, trong tổng khối lượng phát hành là 1 tỷ USD, nguồn vốn cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chỉ còn 240 triệu USD (trong khi nhu cầu là 500 triệu USD). “Tuy nhiên, căn cứ vào tiến độ giải ngân thì đến hết 2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới sử dụng hết nguồn vốn đã cân đối cho dự án, trong khi đó nguồn vốn trái phiếu sẽ về ngay sau khi phát hành.

 Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả sử dụng, Bộ Tài chính cũng đề xuất sử dụng 250 triệu USD (trong tổng số 700 triệu USD dành cho dự án Dung Quất) cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam vay với thời hạn 5 năm để đầu tư mua tàu và thu hồi dần để lấy nguồn đầu tư cho dự án Dung Quất”. Bà Yến nói.

Về việc có thể huy động vốn trong nước thay vì vốn quốc tế, bà Yến cho rằng, thị trường trong nước cũng rất tiềm năng, nguồn vốn dồi dào nhưng lãi suất còn chưa hấp dẫn. Trong khi đó, hiện nay trong nước nhu cầu về vốn cần rất nhiều. Bà Yến cũng lý giải thêm, ngoài những lý do đó thì nhu cầu về vốn của đợt phát hành này là ngoại tệ. Chính vì vậy, phát hành trái phiếu ra nước ngoài là cần thiết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ về quan điểm để doanh nghiệp tự phát hành trái phiếu quốc tế, bà Yến khẳng định, xu hướng của Chính phủ vẫn là khuyến khích doanh nghiệp tự đứng ra phát hành. “Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện này chưa chín muồi bởi vì để phát hành doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu, những đánh giá về: hệ số tín nhiệm, năng lực tài chính, kiểm toán,... song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho việc này.

Trong khi đó, nhu cầu về vốn thì rất cấp bách, nhất là những dự án lớn. Cho nên Chính phủ sau khi xem xét đã cân nhắc, đặc biệt trong điều kiện hiện nay thị trường đang rất thuận lợi đã xem xét và thông qua đề án phát hành trái phiếu quốc tế” - bà Yến nói.

Bảo Nguyên