Kinh doanh xăng dầu: Chấm dứt điệp khúc “lỗ”

ANTĐ - Sáng 19-12, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại 4 doanh nghiệp đầu mối (Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh - Saigon Petro và Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp).

Chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu có thể được rút ngắn

Khống chế chi phí kinh doanh và thù lao đại lý

Theo kết luận của các đoàn kiểm tra thuộc Bộ Tài chính, căn cứ vào giá vốn nhập tính đến 26-8-2011, nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi (trừ Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp vì giá vốn nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm quá cao).

Kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của các doanh nghiệp từ 1-7 đến 26-8-2011 về cơ bản không lỗ hoặc có lãi. Petrolimex báo cáo ước lãi 130 tỷ đồng; Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng; Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp báo cáo lỗ 55,23 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng.

Tại Petrolimex, trong giai đoạn từ 1-1 đến 30-6-2011, có tổng chi phí kinh doanh thực tế cao hơn chi phí kinh doanh xác định để tính giá cơ sở là hơn 516 tỷ đồng. Qua rà soát cho thấy, thù lao đại lý đối với từng mặt hàng của các công ty thành viên được điều chỉnh theo từng thời điểm và địa bàn khác nhau, có những lúc vượt quá định mức chi phí kinh doanh. Đơn cử như mức chi thù lao đại lý của Công ty xăng dầu B12 từ tháng 3 đến tháng 9-2011 đối với xăng có mức thấp nhất là 210 đồng/lít (tháng 3) mức cao nhất là 630 đồng/lít (tháng 6); đối với dầu diezel mức thấp nhất là 130 đồng/lít (tháng 3) và cao nhất là  830 đồng/lít (tháng 7). Bộ Tài chính khẳng định, việc đẩy thù lao đại lý lên cao không ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng nhưng sẽ làm giảm lãi hoặc tăng lỗ dẫn tới không phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp.

Nhìn nhận về khoảng trống cơ chế trong việc thực hiện chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp và chi thù lao đại lý vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Trong điều kiện nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thì doanh nghiệp đầu mối và các Tổng đại lý, đại lý phải có chính sách tiết giảm chi phí để cùng Nhà nước và người tiêu dùng thực hiện tốt Nghị quyết 11/CP. Việc chi vượt định mức chi phí kinh doanh cần phải xem xét và phải có quy định khống chế về chi phí kinh doanh và thù lao đại lý”.

“Hoạt động kinh doanh xăng dầu đang diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường chi phối nên việc có thêm những quy định này là nhằm tránh tình trạng tăng chi phí kinh doanh, thù lao đại lý gây nên cạnh tranh không bình đẳng để chiếm lĩnh thị phần trên thực tế” - Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định.

Trước câu hỏi về định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở (gồm cả thù lao đại lý) là 600 đồng/lít đối với xăng và một số loại dầu có còn hợp lý? Bà Mai cho biết: “Cần có khảo sát để tính toán mức chi phí kinh doanh và thù lao đại lý làm sao phù hợp để đảm bảo chi phí của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có lãi hợp lý nhưng cũng phải khống chế để đảm bảo lợi ích của người dân”.

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá

Đánh giá về việc thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu Bộ Tài chính cho rằng, về cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành theo quy định. Việc duy trì quỹ bình ổn là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá tại các doanh nghiệp vẫn còn một số bất cập, khó kiểm soát… Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đối với Quỹ bình ổn theo hướng đưa Quỹ bình ổn về cơ quan Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý.

Ngoài ra, kiến nghị của các Tổ kiểm tra cho thấy, công thức xác định giá cơ sở tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 234/2009/TT-BTC cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên còn một số điểm cần được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp hơn. Thứ nhất là chu kỳ điều chỉnh tăng giảm giá và bước tính giá bình quân còn tương đối dài (30 ngày), do đó sẽ nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh để phù hợp với thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp. Thứ 2 là đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở bởi việc để lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở có thể gây hiểu lầm và thiếu minh bạch trong xác định lỗ lãi kinh doanh xăng dầu.

Trong điều kiện nguồn cung chủ yếu do thị trường trong nước phần lớn là xăng dầu nhập khẩu (chiếm 68,65% tổng nguồn hàng) thì sự không ổn định về tỷ giá hối đoán là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới lỗ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu mối có tổng lượng nhập khẩu cao so với tỷ trọng hàng mua từ Dung Quất hoặc tự sản xuất. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu làm việc với các bộ ngành liên quan (Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước…) để có cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu theo đúng tỷ giá liên ngân hàng tại từng thời điểm.