Kinh doanh “thần chết”

ANTĐ - Bất chấp việc nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng, hoạt động buôn bán vũ khí giết người diễn ra sôi động chưa từng thấy. 

Các tổ hợp tên lửa đất đối không là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường vũ khí

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết số lượng hợp đồng mua bán vũ khí thông thường trong giai đoạn 5 năm 2008-2012 đã tăng 17% so với thời kỳ 2003-2007. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã “qua mặt” Anh để lọt vào nhóm 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. 

Về phía người bán, trong giai đoạn 2008-2012, Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc (thay vị trí thứ 5 của Anh) là những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Theo SIPRI, mặc dù thị phần buôn bán vũ khí toàn cầu giảm 3%, từ 78% xuống còn 75%, song khối lượng xuất khẩu vũ khí của nhóm 5 quốc gia nói trên vẫn tiếp tục tăng tới 14%. Chỉ tính riêng Mỹ và Nga, hai quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, lần lượt chiếm tới 30% và 26% thị phần cung cấp vũ khí toàn cầu. 

Về phía người mua, trong giai đoạn trên, 5 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore. Khối lượng nhập khẩu của những quốc gia này chiếm 32% thị phần mua sắm vũ khí toàn cầu. Trong khi đó, những khu vực nhập khẩu vũ khí chủ chốt bao gồm châu Á và châu Đại Dương (chiếm 47% tổng khối lượng nhập khẩu), vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Đông (17%), châu Âu (15%), Bắc và Nam Mỹ (11%) và châu Phi (9%). 

Điều đáng lo ngại là trong bối cảnh nền kinh tế các nước phương Tây đang ì ạch sau cuộc khủng hoảng tài chính, công nghiệp vũ khí được nhiều chính phủ xem như cách thức để duy trì sức mạnh cho nền kinh tế. Đương kim Thủ tướng Anh D. Cameron là người cổ súy không mệt mỏi cho ngành công nghiệp vũ khí của nước này. Ông nổi tiếng với câu nói: “Đẩy mạnh xuất khẩu rất quan trọng đối với nền kinh tế, và đó là lý do tại sao tôi làm mọi thứ có thể để cổ súy nền công nghiệp vũ khí Anh có chỗ đứng trong cuộc đua toàn cầu”.

Cũng có thể kể ra ở đây nhiều con số thống kê buộc người ta phải suy nghĩ. Trong giai đoạn từ 2002 đến 2011, doanh thu của 100 tập đoàn sản xuất vũ khí trên thế giới đã tăng vọt 51%. Trong khi đó, suốt hơn 30 năm qua, trật tự trong bảng xếp hạng giữa các tập đoàn sản xuất vũ khí thế giới hầu như không thay đổi. Lockheed Martin và Boeing của Mỹ theo thứ tự thống lĩnh thị trường vũ khí thế giới. 

Nếu xét về quy mô, nhiều vụ mua bán vũ khí được báo chí mô tả là ở mức “khủng khiếp”. Chẳng hạn, đầu năm 2012, Hãng Chế tạo máy bay Dassault của Pháp đã giành chiến thắng trong gói thầu lớn nhất từ trước tới nay trị giá 10,4 tỷ USD cung cấp 126 máy bay chiến đấu đa năng Rafale cho Không quân Ấn Độ. Hay như hợp đồng của Mỹ cung cấp 4 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35A Lightning II (phiên bản không quân) cho Nhật Bản với trị giá lên tới 10 tỉ USD…

Chắc chắn là hoạt động mua bán vũ khí càng nhộn nhịp thì nguy cơ vũ lực bị lạm dụng trên thế giới càng dễ xảy ra hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh, ổn định quốc tế, khu vực, quốc gia. Các hành động khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người… sẽ còn tăng lên.