Kinh doanh lưu trú online: Không phải "tấm vé" an toàn cho du khách

ANTĐ - Mạng lưới kinh doanh lưu trú online thông qua các website như Airbnb hay Homeaway không phải mới xuất hiện mà đã trở thành một phương tiện giúp những người du lịch tự do dễ dàng tìm được những nơi ăn chốn nghỉ với giá phải chăng. Tuy nhiên, sự nở rộ của các hình thức này đang đe dọa đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh lưu trú có phép. 

Kinh doanh lưu trú online: Không phải "tấm vé" an toàn cho du khách ảnh 1Chỉ cần một vài cú click chuột trên “Airbnb”,
khách du lịch có thể tìm được một chỗ nghỉ với giá rẻ 

Khách du lịch “tự đến, tự đi”

Chỉ bằng một vài thao tác như gõ tên nơi cần đến, ngày đặt, trả phòng… một khách du lịch có thể nhanh chóng tìm được một phòng nghỉ theo đúng yêu cầu ở nơi cách nửa vòng Trái đất. Sau khi xem xét các tiện nghi, khách chỉ việc thanh toán qua thẻ tín dụng là đã yên tâm có một chỗ nghỉ siêu rẻ. Khách chỉ việc đến, lấy chìa khóa, tự mở cửa vào phòng. Thậm chí không cần gặp chủ nhà. Một chu trình du lịch giản tiện như vậy đang được tiếp thị qua rất nhiều trang web như Homeaway.com, Zender.com hay Rentalo.com…

Đây là phương thích kinh doanh lưu trú online đã nở rộ trên thế giới, được những người du lịch tự túc tìm đến, nhưng mới chỉ manh nha du nhập vào Việt Nam. Nó khác ở chỗ là các căn hộ, biệt thự, phòng ngủ… này không chịu kiểm soát của bất cứ cơ quan nào. Ông Vũ Quốc Toản - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã từng gặp trường hợp một nhóm du khách người Ý, thuê một biệt thự 10 phòng ngủ ở khu vực Tây Hồ. Họ tự sửa sang, tự quản lý, khai thác, tự phục vụ khách… cứ thế kinh doanh. Ban đầu, chúng tôi không rõ đây là hình thức kinh doanh gì, nhưng về sau mới biết đó là dịch vụ Airbnb”.

Mạng lưới này cho phép bất cứ ai có nhu cầu có thể tìm được một căn phòng trống, nhà trống… thậm chí là một hòn đảo để ở từ khắp mọi nơi trên thế giới. Dĩ nhiên, tất cả các giao dịch, thỏa thuận đều được thực hiện qua mạng Internet. Không cần nhờ cậy qua khách sạn hay công ty lữ hành. 

Giá siêu rẻ, mọi hoạt động đều tự do là điểm nổi trội của loại hình kinh doanh lưu trú này. Nếu đặt phòng qua khách sạn, một khách du lịch phải bỏ ra chi phí 40-50 USD/đêm, với phòng ngủ tự thuê như vậy, có khi họ chỉ phải bỏ ra 15 USD. Khách du lịch có toàn quyền sử dụng bếp, chỗ để xe… trong căn hộ, không bị kiểm soát bởi thời gian… Nhưng điều này chưa chắc đã “nhất cử lưỡng tiện”. 

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Rõ ràng, hình thức kinh doanh lưu trú online đang dần tạo ra sự xoay chiều trong ngành công nghiệp khách sạn tại Việt Nam. Theo một con số thống kê, năm 2015, ở Việt Nam đã có trên 1.000 nơi lưu trú đăng ký kinh doanh theo dạng Airbnb, trong đó tập trung lớn ở Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam, nhưng nó đã làm dấy lên mối lo ngại về tính hợp pháp cũng như tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.

Nhận định về điều này, ông Vũ Quốc Toản cho biết: “Hình thức kinh doanh như vậy đang tạo ra sự cạnh tranh rất lớn đối với chúng tôi. Vì số lượng phòng kiểu này trên thế giới đang ngày một tăng nhanh, giá cả thì chênh lệch 30-40%. Một chủ căn hộ có thể chấp nhận cho khách Tây “ba lô” thuê với giá chỉ 7 USD/đêm, nhưng bù lại họ thu về gấp 3, 4 lần nhờ chi phí dịch vụ. Để nói cạnh tranh như vậy có lành mạnh không phải nói là rất khó, vì chúng ta chưa nắm bắt được”. 

Theo bà Lê Mai Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam,  Luật Du lịch có quy định rất rõ các loại hình cơ sở lưu trú, trong đó hình thức thấp nhất là homestay, tức là nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Chưa kể những hình thức chuyên biệt như nhà nghỉ du lịch, biệt thự du lịch…, nhưng đều phải có đăng ký kinh doanh và phải làm hồ sơ thẩm định, xếp hạng lên Sở VH-TT&DL. Khi một cơ sở lưu trú nằm trong danh sách quản lý là chịu sự ràng buộc pháp luật, bị kiểm tra, kiểm soát. Còn các đơn vị không đăng ký kinh doanh, hoạt động tự do, trốn thuế thì rõ ràng là sai luật. 

Mức độ tác động đến môi trường kinh doanh đã rõ, nhưng đáng lo hơn là chất lượng dịch vụ và những lo ngại về an toàn, an ninh cho khách du lịch. “Rõ ràng khi cho thuê nhà tự túc, người chủ có quyền điều chỉnh giá tăng giảm tùy ý. Còn về mặt chất lượng cũng rất mù mờ. Khách vào đó ở cũng không có gì đảm bảo số tiền bỏ ra có tương xứng hay không. Khi xảy ra bất cứ việc gì với du khách thì khó mà truy cứu. Bởi việc phát hiện vi phạm phải có một lực lượng thanh tra, kiểm tra rất lớn trong khi riêng về quản lý các nhà nghỉ du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú hạng thấp hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn” - bà Lê Mai Khanh cho biết.