Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (bài 1)

Kinh đô Thăng Long: Nơi trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong số 29 Thủ đô cổ kính nhất trên thế giới, Hà Nội là một trong những Thủ đô có bề dày trên 1.000 năm tuổi, đồng thời cũng là thành phố duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều dâu bể, chứng kiến biết bao thăng trầm, đã có lúc từ kinh đô trở thành “cố đô” song đây vẫn là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” có giá trị và ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt.

Nhắc đến kinh đô Thăng Long, người ta hay nhớ đến dấu mốc năm 1010 khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, đổi tên thành Thăng Long. Có điều, quay ngược dòng lịch sử thì mảnh đất nghìn năm văn hiến kỳ thực đã manh nha trở thành “trái tim của cả nước” từ thời vị vua đầu tiên thời tiền Lý - Lý Bí, niên hiệu Lý Nam Đế.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội Ảnh: lam thanh

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội Ảnh: lam thanh

Dấu ấn “tiền” Thăng Long và quyết định mang tính lịch sử

Tháng Giêng năm 544, sau khi lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Tùy, Lý Bí lên ngôi và thành lập ra Nhà nước Vạn Xuân với kinh đô ban đầu đặt ở vùng cửa sông Tô Lịch (thuộc Hà Nội ngày nay). Khu vực này theo nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô là ở phía sau ngã ba Nhị Hà - Tô Lịch, tức là thuộc khu vực phía sau hồ Tây bây giờ, khi ấy chỗ này có thể nói là tương đương với trung tâm Hoàng thành Thăng Long hiện nay.

Vì vậy có thể nói Lý Bí chính là vị vua đầu tiên nhìn ra được vị trí đặc biệt quan trọng của thành Đại La nên mới lập “thủ phủ” tại đây. Tuy nhiên một thời gian ngắn sau khi ra đời, Nhà nước Vạn Xuân dưới thời Lý Bí lại phải đối đầu với cuộc kháng chiến chống quân Lương và thất bại. Sau khi tướng Triệu Quang Phục đánh đuổi được quân Lương và xưng vương thì tiếp tục khôi phục lại Nhà nước Vạn Xuân và đóng đô tại đây. Tiếp đó, dưới thời thống trị của nhà Tùy, rồi tới nhà Đường thì Đại La tiếp tục được chọn làm mảnh đất trung tâm của chính quyền đô hộ.

Đầu thế kỷ VII, thứ sử nhà Tùy là Khâu Hòa đã đặt thủ phủ đô hộ và xây thành lũy đô hộ phủ đầu tiên ở kề sông Tô Lịch vào khoảng thời gian đó. Tòa thành có tên là “Tử thành”. Còn đến nhà Đường, Tĩnh hải quân tiết độ sứ Cao Biền đã cho đắp thành Đại La vào năm 865-868, khẳng định vị trí trung tâm đặc biệt của nơi này, là nơi đóng đô của chính quyền đô hộ từ thời Bắc thuộc.

Có điều phải đến năm 1010 khi Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) - kinh đô cũ của nhà Đinh và nhà Lê, vùng đất La thành mới thực sự chính thức bước vào một vòng quay lịch sử lớn với những biến đổi toàn diện về mọi mặt. Sự thay đổi ban đầu phải kể đến là việc lần đầu tiên mảnh đất này có tên hiệu tuy viết bằng chữ Hán song lại rất Việt Nam - Thăng Long.

Nhìn nhận về sự rời đô có ý nghĩa trọng đại này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô nói thêm, trước khi được chọn và trở thành kinh đô Thăng Long thì có thể nói Đại La đã là một trung tâm quy tụ các giá trị về mặt lịch sử, văn hóa lớn nhất cả nước, thậm chí lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời huy động được nguồn lực khắp bốn phương - bốn trấn Đông - Đoài - Nam - Bắc tụ về đây để phát triển. Trong Chiếu dời đô từ Hoa Lư về đây, Vua Lý Thái Tổ cũng nói rõ, thành Đại La là đô cũ của Cao vương, là chỗ hội tụ quan yếu bốn phương, là nơi thượng đô kinh sư muôn đời với thế “nhìn sông, tựa núi”.

Sông ở đây mặc nhiên là sông Hồng mà con sông này lúc đó có thể nói là động mạch chủ của toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng, còn núi ở đây là núi Ba Vì và Tam Đảo. Có lẽ nhờ thế nên đứng trước những thử thách của xã hội lẫn thiên nhiên, nơi này vẫn đứng vững và tạo nên bề dày lịch sử hơn 1.000 năm oanh liệt, đúng với ý nghĩa: “Nơi trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”.

Nhiều sự kiện văn hóa nhằm thu hút khách du lịch được diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long

Nhiều sự kiện văn hóa nhằm thu hút khách du lịch được diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long

Những thăng trầm từ “kinh đô” đến “cố đô”…

Tuy nhiên, vai trò lịch sử của kinh thành Thăng Long cũng có những lúc bị gián đoạn, chứ không phải một cuộc hành trình liên tục và xuyên suốt.

Đầu năm 1226 khi nhà Lý ngày càng suy yếu, chính quyền không còn chăm lo cho đời sống của nhân dân như trước, phải dựa vào thế lực nhà Trần để dẹp loạn. Cũng chính lúc này, vị nữ đế 8 tuổi Lý Chiêu Hoàng (cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lý) được sắp xếp nhường ngôi cho Trần Cảnh lúc bấy giờ cũng mới lên 8 tuổi (sau khi lên ngôi lấy niên hiệu Trần Thái Tông), chính thức khép lại triều đại nhà Lý kéo dài hơn 200 năm. Cuộc nhường ngôi lịch sử được diễn ra ngay tại điện Thiên An của kinh thành Thăng Long (nay là điện Kính Thiên).

Sau khi lập ra vương triều nhà Trần, Vua Trần Thái Tông vẫn lấy Thăng Long làm kinh đô, cho đến năm 1397, nhà Trần suy yếu và Hồ Quý Ly chiếm ngôi, lập ra triều đại mới, đổi tên quốc hiệu là Đại Ngu, đồng thời quyết định chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, gọi là Tây Đô. Mặc dù vậy, Thăng Long vẫn được nhà Hồ xem là mảnh đất trọng yếu, gọi là Đông Đô. Song chỉ một vài năm sau đó, vào năm 1408, nhà Minh đưa quân xâm lược Đại Ngu và nhà Hồ thất bại trong việc đánh đuổi quân xâm lược. Ngay sau khi xâm lược thành công, nhà Minh ngay lập tức chọn Đông Đô làm đại bản doanh, coi nơi này là trung tâm của chính quyền đô hộ, đổi tên là Đông Quan.

Dưới ách cai trị và đô hộ của nhà Minh, nhiều cuộc kháng chiến đã nổ ra với mong muốn khôi phục lại giang sơn của người Việt song đều bị dìm trong biển máu. Cho đến năm 1418, Lê Lợi cùng nhiều hào kiệt phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn và đến năm 1427 thì đánh đuổi được quân xâm lược, giành lại độc lập cho nước Đại Việt, thành lập nên nhà Hậu Lê. Ngay sau khi giành chiến thắng, nhà Lê kéo thẳng đại quân vào điện Kính Thiên và đọc “Bình ngô đại cáo” - bản thiên cổ hùng văn được xem là Bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc Việt Nam (sau “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt). Cũng từ đó, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ quyết định xây dựng kinh đô tại Thăng Long, đổi tên là Đông Kinh.

Như vậy, sau một thời gian “nhường” lại vai trò kinh đô cho vùng đất khác và trở thành “cố đô”, Thăng Long lại tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình. Dưới thời trị vì của nhà Lê, kinh đô Thăng Long tiếp tục được xây dựng và phát triển, đặc biệt đến thời vua Lê Thánh Tông thì nơi này được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp thành trung tâm quốc gia quy mô lớn ở cả khu vực Đông Nam Á. Đến thời nhà Mạc, tính từ thời Mạc Đăng Dung dẹp được các phe phái trong cung đình, ép Vua Lê Cung Hoàng (nhà Hậu Lê) nhường ngôi năm 1527, tuy xây dựng thêm Dương Kinh (kinh đô đầu tiên của người dân miền biển) song Thăng Long vẫn được nhà Mạc chọn làm kinh đô của cả nước, ra sức xây thành đắp lũy kiên cố, trùng điệp.

Tuy nhiên, trải qua 5 đời vua, sau cùng nhà Mạc vẫn không giữ được Thăng Long và phải chịu thất thủ trước thế lực của chính quyền Lê - Trịnh. Nhà Lê Trung hưng (1533-1789) sau khi quay trở lại trị vì thì tiếp tục giữ Thăng Long làm kinh đô. Trong giai đoạn lịch sử này, họ Trịnh được lập phủ Chúa, chính thức xưng vương cũng đã cho xây dựng phủ chúa Trịnh trên diện tích rộng lớn trải dài từ phía Tây Nam sang Đông Nam hồ Hoàn Kiếm, kéo sát tới tận sông Hồng, quy mô không kém gì khu Hoàng thành của các bậc đại đế.

Hoàng thành Thăng Long nay là điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước

Hoàng thành Thăng Long nay là điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước

Một lần nữa, kinh đô Thăng Long trải qua biến cố lịch sử, từ kinh đô bị biến thành “cố đô” khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra và làm nên kỳ tích chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, chấm dứt tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, mở ra triều đại nhà Tây Sơn (1778-1802). Trong thời gian 4 năm trị vì, nhà Tây Sơn chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô, song vẫn coi Thăng Long là trung tâm lớn hàng đầu cả nước về cả văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự… Sau đó, đến năm 1802, Nguyễn Ánh tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện để tiêu diệt nhà Tây Sơn và thành lập nên triều đại nhà Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long.

Dưới thời trị vì của Vua Gia Long, Huế tiếp tục được chọn là kinh đô cả nước, song người đứng đầu triều Nguyễn đặc biệt quan tâm đến Thăng Long và coi vùng đất này như điểm quyết định trong việc khôi phục lại vương triều và thống nhất đất nước. Nhà Nguyễn cũng gọi lại nơi này là Thăng Long, nhưng lần này chữ “Long” biểu hiện cho sự thịnh vượng, chứ không phải “rồng bay” vì rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được mang nghĩa đó.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, sau khi chiếm được Phú Xuân (Huế), Gia Long ngay lập tức tổng chỉ huy chiến dịch giải phóng Thăng Long. Và khi đã chiếm được Thăng Long, trong lúc còn bộn bề công việc quốc gia thì Gia Long vẫn dành tới 90 ngày ở lại đây để củng cổ, tổ chức, ổn định tình hình, vẫn giữ lại điện Kính Thiên, giữ lại quy chế vương thành…; và đặc biệt coi nơi này là trung tâm của toàn bộ Bắc thành. Bởi vậy nên người tổng trấn Bắc thành giống như Phó vương, có quyền quyết định nhiều việc lớn trước khi báo cáo lên hoàng đế. Như vậy dưới thời Nguyễn có thể nói mặc dù Thăng Long không còn là kinh đô và bị hạn chế đi một số mặt nhưng nơi này vẫn giống như “trái tim” của cả nước.

Cho tới khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm 1858 thì Thăng Long không chỉ là trung tâm của Bắc kỳ mà còn là “thủ phủ” của liên bang ba nước Đông Dương. Cũng chính tại nơi đây vào năm 1945, trải qua không biết bao nhiêu cuộc kháng chiến và thăng trầm lịch sử, sau thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn lịch sử khai sinh ra chế độ mới - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi đến năm 1976 sau ngày Bắc Nam thống nhất, Thăng Long - Hà Nội trở thành Thủ đô của cả nước cho tới bây giờ.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, hiếm có kinh thành nào trên thế giới lại có bề dày lịch sử lâu dài, oanh liệt và rạng rỡ như kinh đô Thăng Long 1010 năm tuổi. Nơi này cho đến nay vẫn luôn là trái tim của Việt Nam, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội..., là nơi hội tụ, đồng thời lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của cả nước cũng như nhân loại.

Trải qua những thăng trầm, biến thiên trong lịch sử, Thăng Long vẫn là mảnh đất kinh đô có tuổi đời đáng nể, chứng kiến nhiều cuộc binh biến trong nước lẫn kháng chiến chống giặc ngoại xâm, kết tinh thành những giá trị lịch sử vô cùng thiêng liêng, trở thành nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm” vô cùng đặc biệt.

(Còn tiếp)