Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã trở về Việt Nam?

ANTD.VN - Sau những tháng ngày “bặt vô âm tín”, thời gian vừa qua, có thông tin cho rằng, kiệt tác hội họa”Thiếu nữ bên hoa huệ” đã trở về Việt Nam. 

Năm 2005, đoàn nghiên cứu của Ban Mỹ thuật Hiện đại-Viện Mỹ thuật Việt Nam đã được tiếp cận tác phẩm được cho là bản gốc bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Màu thời gian và trình độ điêu luyện của người vẽ đã làm các nhà nghiên cứu có cảm giác tốt về bức tranh. 

Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã trở về Việt Nam? ảnh 1Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” thuộc sở hữu của ông Bùi Quốc Trí có màu trầm và nhạt hơn các bức tranh chép trên thị trường

Không dễ dàng tiếp cận 

Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” được cho là bản gốc này đang thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập Bùi Quốc Trí, con trai nhà sưu tập Đức Minh. Đây là bảo bối của gia đình và không phải ai tới nhà cũng được tiếp cận tác phẩm. Thông tin “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã trở về Việt Nam rất hiếm khi được ông Bùi Quốc Trí tiết lộ với người ngoài. Nhưng sở dĩ, đoàn nghiên cứu của Viện Mỹ thuật Việt Nam được tiếp cận bức tranh này là vì trước khi đến gặp nhà sưu tập, các nhà nghiên cứu đã có nhiều cuộc trao đổi làm việc và tạo dựng mối quan hệ thân tình với ông Bùi Quốc Trí. Nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần. 

Ngoài ra, trong quá trình làm tư liệu cho cuốn sách “Mỹ thuật Việt Nam hiện đại”, đoàn nghiên cứu trước khi xin chụp lại tác phẩm bao giờ cũng có giấy đề nghị chấp thuận cho phép sử dụng hình ảnh tác phẩm, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu để đảm bảo độ tin cậy và sự đồng thuận của người sở hữu bản quyền. Hơn nữa, có thể ông Bùi Quốc Trí nhận thấy mục đích của cuộc khảo sát chính đáng dành cho công tác nghiên cứu và sưu tầm tư liệu của Viện Mỹ thuật Việt Nam nên nhà sưu tập này đã trân quý mời các nhà nghiên cứu xem tận mắt bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”. 

Thoạt nhìn, “Thiếu nữ bên hoa huệ” được cho là bản gốc này không có độ bắt mắt bằng các bức tranh sao chép trên thị trường do tông màu trầm hơn. Ngay các nhà nghiên cứu trong thâm tâm cũng cho rằng, bức tranh đã được bán cho ông Hà Thúc Cần và giờ đã được trao đi đổi lại đến người thứ bao nhiêu thì hoàn toàn không có thông tin.

Gia đình họa sỹ Tô Ngọc Vân không xác nhận thông tin

Vì thế, khi nhà sưu tầm Bùi Quốc Trí tiết lộ bức tranh đã trở về Việt Nam, những người làm công tác nghiên cứu rất bất ngờ. Và tất nhiên, với những người làm mỹ thuật, việc khẳng định bức tranh này là thật hay giả cũng không dễ dàng. Chỉ dựa vào trực giác như cảm nhận về phong cách vẽ trong bức tranh trong sưu tập của Bùi Quốc Trí cũng cho thấy sự đồng nhất phong cách vẽ của họa sỹ Tô Ngọc Vân, cùng với đó kỹ thuật vẽ tranh điêu luyện, xứng đáng với tầm của bậc thầy hội họa, mà các họa sỹ bình thường rất khó để đạt tới. 

Màu sắc có thể do thời gian đã bị trầm, tối đi rất khác với sự sặc sỡ của những bản chép lại từng thấy đâu đó. Còn để thẩm định một cách chính xác bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của nhà sưu tầm Bùi Quốc Trí cần có lời đánh giá và khẳng định của nhà sưu tập, gia đình họa sỹ và các chuyên gia cùng các kết quả phân tích về mặt lý, hóa học, về chất toàn, chất màu trong tác phẩm. 

Khi nhà sưu tầm Bùi Quốc Trí tiết lộ bức tranh đã trở về Việt Nam, những người làm công tác nghiên cứu rất bất ngờ. Với những người làm mỹ thuật, việc khẳng định bức tranh này là thật hay giả cũng không dễ dàng.

Khi phóng viên đến tìm gặp gia đình họa sỹ Tô Ngọc Vân để xác thực thông tin kiệt tác hội họa “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã về cố quốc, GS Tô Ngọc Thanh - con trai trưởng của họa sỹ Tô Ngọc Vân khẳng định: “Tôi hoàn toàn bị mất thông tin về tác phẩm này và không biết bức tranh đã trở về Việt Nam hay chưa”. Khi hỏi GS Tô Ngọc Thanh, nếu có ai đó đem tới cho ông một bức tranh và bảo rằng, đó là tác phẩm gốc của “Thiếu nữ bên hoa huệ”, ông có thể tham gia vào quá trình thẩm định, GS Tô Ngọc Thanh không ngần ngại tiết lộ: “Khi cha tôi vẽ bức tranh này vào năm 1943, lúc ấy các anh chị em trong gia đình tôi đều còn nhỏ và thời gian đã lùi rất xa. Tôi chỉ nhớ, bức tranh đã miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam rất Á Đông, nền nã trong bút pháp hiện đại và màu sắc trang nhã, hài hòa. Còn để khẳng định tác phẩm đó có là nguyên gốc hay không, tôi hoàn toàn không dám chắc, do trình độ làm tranh giả của Việt Nam đạt đến độ… đáng sợ”. 

Nhà nước cần vào cuộc

Để tìm hiểu cụ thể về quá trình nhà sưu tập Bùi Quốc Trí đã đưa “Thiếu nữ bên hoa huệ” về Việt Nam bằng cách nào, phóng viên đã kết nối với nhà sưu tầm hiện đang ở TP.HCM. Tiếc rằng, ông Bùi Quốc Trí đã từ chối cung cấp thông tin và hẹn vào một dịp khác sẽ kể đầu đuôi câu chuyện về bức tranh trở về cố quốc ra sao. Ông Bùi Quốc Trí cũng cho biết thêm, từ ngày thông tin “Thiếu nữ bên hoa huệ” trở về Việt Nam lọt ra ngoài, ông cảm thấy mệt mỏi vì bị nhiều người săn lùng và hỏi thăm bằng một thái độ hoài nghi và hiếu kỳ về tính xác thực của nguyên tác. Chính vì vậy, hầu hết các cuộc hẹn gặp hay phỏng vấn của giới báo chí hay giới sưu tầm, ông đều từ chối để tìm những khoảng lặng nhất định trong công việc sưu tầm của mình.  

Dù thông tin “Thiếu nữ bên hoa huệ” trở về Việt Nam đã được một số nhà sưu tập ở TP.HCM biết tới nhưng hiện nay, ở miền Bắc, các họa sỹ hầu như đều không nắm được sự việc. Họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi chưa từng nghe đến sự việc như vậy. Nhưng trình độ làm tranh giả ở Việt Nam giờ tinh vi lắm, nếu 

“Thiếu nữ bên hoa huệ” đã trở về thật thì khâu thẩm định phải rất thận trọng để đừng “nhìn gà hóa cuốc”. 

Tuy nhiên, khâu thẩm định tranh giả, tranh thật hiện nay lại là khâu yếu nhất của mỹ thuật Việt Nam khi chưa có cơ quan đứng ra giám định. Trong khi ấy, thị trường sao chép tranh lại phát triển. Các hội đồng thẩm định được tổ chức trong các cuộc triển lãm lại chưa đủ tầm để xác định các kiệt tác hội họa Việt Nam.

Do vậy, dù có thông tin về kiệt tác hội họa sau nhiều năm lưu lạc đã trở về Việt Nam thì cho đến nay, một phần có thể do nhà sưu tập Bùi Quốc Trí không muốn công khai thông tin, một phần khác có thể do chưa có một cơ quan nào về lĩnh vực mỹ thuật đứng ra thẩm định nên tin đồn về “Thiếu nữ bên hoa huệ” vẫn cứ là tin đồn. Và thực hư của câu chuyện chỉ có thể được làm sáng rõ khi Nhà nước vào cuộc, tập hợp đội ngũ các chuyên gia, họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cùng tham gia vào công việc đánh giá và xác định nguyên tác. 

Đặt trong trường hợp đây là bức tranh thật thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, thỏa thuận thỏa đáng với nhà sưu tập để đưa tác phẩm đỉnh cao của hội họa Việt Nam hiện đại được bảo quản, trưng bày trong không gian của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Bởi đó là chiến lược trong phát triển văn hóa lâu dài được khẳng định bằng việc lưu giữ tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của Việt Nam.