Kiến trúc sư Lê Hiệp: Không thể tồn tại thứ nghệ thuật vô cảm

ANTĐ - Hà Nội không nhiều tượng đài. Nhiều người lý giải đó là bởi thành phố này không thích hợp với những tượng đài hoành tráng. Tuy nhiên, KTS Lê Hiệp- người từng được giải thưởng Nhà nước  năm 2001 cho công trình Đài tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang lại có cách lý giải của riêng mình. PV Báo An ninh Thủ đô có cuộc trò chuyện cùng ông.

Kiến trúc sư Lê Hiệp: Không thể tồn tại thứ nghệ thuật vô cảm ảnh 1
Tượng đài Công nhân trong sân Cung Hữu Nghị, một trong những công trình gây nhiều tranh cãi


- PV: Thưa ông,  đã có nhiều người khẳng định rằng ở Việt  Nam không có tượng đài đẹp. Là người trong nghề, ông nghĩ sao? 

- Kiến trúc sư Lê Hiệp: Người ta nói đúng đấy. Tôi vào nghề từ năm 1960, 27 năm giảng dạy ở Đại học Kiến trúc, rồi quay ra làm ở công ty thiết kế, sống liên tục với nghề. Tôi là người trong nghề mà phải nhận xét về chuyện này thì quả là khó, không cẩn thận người ta lại bảo tôi chê bai anh em khác thì phiền ra. Nhưng thực tế là nhiều tượng đài của ta chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ. Chuyện xây dựng, thiết kế, quy hoạch tượng đài không phải ai cũng làm được. 

- Có câu nói vui rằng, Hà Nội ngõ nhỏ, phố nhỏ, tượng đài cũng nhỏ. Phải chăng kiến trúc Hà Nội không phù hợp với những công trình tượng đài hoành tráng?

- Khái niệm tượng đài hoành tráng xem ra cũng rất mơ hồ. Bây giờ có mốt là cái gì cũng phải to nhất, cũng phải đạt kỷ lục mới thỏa, trong khi, tượng đài cần phải xem như một công trình nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không cần thiết phải hoành tráng. Cái gì thẩm thấu được vào tâm linh của cộng đồng là phi kích thước. Không phải quy định là thành phố này thì hợp tượng đài, thành phố kia thì không. Nhưng khi xây dựng một công trình như thế buộc nó phải có sức sống, được truyền cảm xúc, được trang bị đối thoại thuyết phục cộng đồng. Tượng đài sẽ sống mãi, dù tác giả thiết kế và xây dựng đã chết từ lâu rồi.

- Chúng ta đang có một công thức để cho ra đời những tượng đài na ná giống nhau?

- Điều đó không sai. Đã từng có khẩu hiệu thế này “Trời xanh mây trắng nắng vàng công nông binh trí xếp hàng tiến lên”. Giờ mấy chục năm đổi mới rồi vẫn không bỏ. Bảo Việt Nam ta không có truyền thống làm tượng đài cũng đúng. Tượng đài nằm ở góc độ mặt bằng thẩm mỹ, trong khi đa phần người dân chưa thoát ra khỏi đời sống vật chất. Anh phải no nê thì anh mới tính chuyện ca hát được.

- Có mâu thuẫn quá không khi ông nói ta chưa thoát khỏi đời sống vật chất? Đã có những công trình tượng đài được dự toán cả nghìn tỷ đó thôi?

- Theo quan điểm của tôi cho đến nay, việc xây dựng tượng đài vẫn chưa phải xuất phát từ nhu cầu đích thực của cuộc sống. Chúng ta thiết kế xây dựng, chấp nhận sự dễ dãi để hoàn thành công việc đúng tiến độ. Người ta dễ dàng với nhau, bỏ qua cả sự tranh luận về nghệ thuật, về chuyên môn. Rồi na ná, ang áng, thế cũng được, rồi vỗ tay và xong!

- Thưa ông, một tượng đài được gọi là đẹp có cần dựa theo một tiêu chí nào đó không? 

- Phàm cái đẹp thì không có công thức, không có tiêu chí, cũng không có tiền lệ. Cái mà nó không được phép thiếu duy nhất là cảm xúc. Không thể tồn tại một thứ nghệ thuật vô cảm, bám vào nghệ thuật để chia chác.  

- Trước sự ra đời của một tượng đài xấu, tại sao những người làm nghề như ông không lên tiếng? 

- Tất nhiên, cũng có hội đồng chứ, nhưng khi đó họ chọn người có thể giơ tay, không phải là hội đồng thảo luận rộng rãi. Tôi đã từng tham gia nhiều hội thảo về xây dựng tượng đài thấy người ta góp ý cả chuyện tuổi tác của nhân vật được dựng tượng, khi ông ấy ở tuổi 40 thì râu phải dài bao nhiêu centimet. Rồi lại còn cả chuyện quần áo giày dép mũ mão thế nào. Trong khi đó, tôi chả thấy ai bàn chuyện thời điểm đó đất nước ra sao, vị danh nhân kia đang suy nghĩ gì. Cứ bàn mãi chuyện quần nọ áo kia, râu dài râu ngắn, thành thử khi dựng tượng mặt ông nào ông ấy đều rất giống nhau, hoặc là căng thẳng hoặc là hoang mang như nhau.  Khi dựng tượng phải tìm hiểu con người ấy, ở giai đoạn ấy. Khi đó nhân vật ấy nghĩ cái gì. Rồi men theo cảm xúc đó mà làm tượng. Một điều nữa là rất nhiều người Việt Nam không thuộc sử nước mình… 

- Còn chuyện tài năng thì sao, có phải chúng ta đang thiếu tài năng?

- Thiếu tài năng là thực tế hiển hiện. Nhưng cũng phải nghi ngờ ngay thực tế đó, ngày xưa người Việt chúng ta đã làm được những bức tượng đầy cảm xúc giờ vẫn còn ở đình chùa đấy thôi. Cơ bản nữa là tài năng hay không, nghệ sĩ còn bị chi phối bởi rất nhiều thứ.

- Ý ông nói là chuyện cắt gọt chỉnh sửa ý tưởng?

- Cái đó bình thường mà. Nghệ sĩ đích thực không có quyền chán nản và đương nhiên không được phép bằng lòng, không được khư khư giữ ý kiến của riêng mình, và tất nhiên không có chỗ cho sự tự thỏa mãn trong sáng tạo.

- Nhưng ví như một hội đồng có 7 người, yêu cầu chỉnh sửa 7 điểm trên bức tượng. Vậy thì còn đâu sự thăng hoa của người sáng tác?

- Đấy lại thuộc bản lĩnh của người sáng tác rồi!

- Nhưng người nghệ sĩ còn bị gánh nặng cơm áo gạo tiền thúc ép chứ? Làm sao từ chối được nếu như anh còn muốn kiếm cơm?

- Đích thực nghệ thuật là thứ để chơi, không phải thứ để sống,  tất nhiên trừ công nghệ giải trí. Tất cả các danh nhân trong quá khứ đều là người đói khổ. 

- Xin cảm ơn ông!