Kiên trì kiềm chế

ANTĐ - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,93% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 12 tháng qua. Dưới con mắt quan sát của nhiều chuyên gia kinh tế, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì phù hợp với quy luật thị trường bởi tháng 8 thường là tháng CPI tăng thấp nhất. Tuy nhiên, sau 8 tháng chỉ tiêu này vượt ngưỡng dưới của chỉ tiêu mà Chính phủ đã điều chỉnh (15-17%) với tốc độ tăng 15,68%. Đồng thời gần sát ngưỡng trên (17%) chỉ còn cách có 1,14%. Có nghĩa, 4 tháng cuối năm chỉ được phép tăng 1,14%.

CPI của tháng 8 tăng chậm lại, bớt cẳng thẳng là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế, nhưng chưa thể lạc quan hoặc chủ quan. So với tháng 12-2010, CPI đã tăng tới 15,68% và so với cùng kỳ năm trước đã tăng tới 23,02%. Rõ ràng mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 17% mà Chính phủ đề ra càng trở nên khó khăn hơn bởi 4 tháng còn lại vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, ngày khai giảng năm học mới, rồi Tết Trung thu đang tới dần… Chắc chắn làm cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đẩy giá cả tăng lên. Nên nhớ trong tháng 8, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ vẫn có mức giá tăng cao nhất trong số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong “rổ” hàng hóa tính CPI. Tiếp đến là nhóm giáo dục với mức tăng 1,13%, chủ yếu do chuẩn bị cho năm học mới. Một số địa phương đã tăng học phí cao đẳng và học nghề theo lộ trình tăng học phí của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Bước sang tháng 10, Nhà nước, chính thức tăng lương tối thiểu cho người lao động trong các loại doanh nghiệp. Hơn thế, mùa mưa bão, lũ lụt chưa kết thúc cũng có khả năng làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa. Đó là chưa kể theo quy luật bất biến, giá cả hàng hóa bắt đầu rục rịch tăng vào những tháng cuối năm theo nhu cầu tự nhiên của thị trường. Trong khi đó, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục “nóng - lạnh” khó dự báo và tác động không ít tới mặt bằng giá cả trong nước.

Theo ý kiến của một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn “toàn diện” hơn. Sản xuất đang có biểu hiện đình trệ và co lại. Những tháng gần đây, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh, lượng điện phục vụ sản xuất cũng tăng chậm lại, tăng trưởng điện chỉ đạt hơn 9% trong khi dự báo nhu cầu lên tới 15%. Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, song theo vị ủy viên này, rõ ràng là những mặt trái của chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến cho sản xuất “co” lại, cũng có nghĩa là việc làm cho người lao động cũng như đời sống của họ ngày càng khó khăn hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia, xu thế CPI tăng chậm lại chỉ có thể được ghìm giữ nếu tiếp tục kiên trì thực hiện quyết liệt có hiệu quả các biện pháp kiềm chế lạm phát của Nghị quyết 11. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất, Chính phủ nên tiếp tục khẩn trương cụ thể hóa những chính sách biện pháp đã có và tập trung giải quyết nhanh hơn những vấn đề trong tầm tay. Chẳng hạn như sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn mức tăng tín dụng; giảm một cách hiệu quả hơn lãi suất và đặc biệt chú ý lãi suất đầu vào để cứu sản xuất.

Không nên quên rằng đây là thời điểm các biện pháp kiềm chế lạm phát bắt đầu phát huy hiệu quả, vì thế chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu nới lỏng, lạm phát sẽ quay trở lại. Kiên trì kiềm chế lạm phát nhưng cũng cần tập trung thực hiện giải pháp ổn định cân đối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ sản xuất.

Tin cùng chuyên mục