Kiên quyết, kiên trì làm trong sạch đội ngũ của Đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếp sau Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, việc Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm được ban hành cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc làm trong sạch đội ngũ của Đảng.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: chuyển từ “phòng ngự” sang “phản công”

Đây là một hệ chỉnh thể các văn bản của Đảng nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, được hình thành trên cơ sở những trao đổi, thảo luận và kết luận tại Hội nghị trung ương 4, khóa XIII, diễn ra hồi đầu tháng 10-2021. Với nội dung rộng hơn, bao quát hơn và những giải pháp mới bổ sung, các văn bản trên thể hiện trên thực tế sự coi trọng của Đảng ta với nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Thực tế cho thấy trước yêu cầu mới ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nếu Đảng không giữ vững bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.

Chính vì thế, trong 3 khóa liên tiếp gần đây (Đại hội XI,XII,XIII), ngay sau khi hoàn thiện tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều dành Hội nghị Trung ương 4 để tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngang tầm nhiệm vụ. Và qua mỗi hội nghị Trung ương 4, nội dung này lại được phát triển, mở rộng, nâng cao hơn so với trước, thể hiện quyết tâm, sự kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.

Những bước tiến mới đáng kể trong công tác xây dựng Đảng có thể thấy rõ tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Đó là gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Đó là sự bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhận diện suy thoái rộng hơn, không chỉ ở tham nhũng mà còn ở tiêu cực. Những phát triển đó cho thấy sự kiên quyết, kiên trì của Đảng nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; đồng thời chuyển công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ “phòng ngự” sang “phản công”.

Từ những định hướng lớn đó, điều quan trọng tiếp theo là nhận diện và có chế tài xử lý các biểu hiện suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Nhiệm vụ này được thực hiện trên cơ sở Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và được sửa đổi, bổ sung trong Quy định số 37-QĐ/TW mà Hội nghị Trung ương 4, khóa 13, vừa thông qua.

Kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp trong Quy định số 47-QĐ/TW, đồng thời bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới trên tinh thần Nghị quyết Đại hội 12,13, Quy định số 37-QĐ/TW khắc phục những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng những điểm mới bổ sung những điều đảng viên không được làm, như: phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định…

“Không ngừng”, “không nghỉ” loại bỏ những “ung nhọt”

Cùng với việc nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì việc thi hành kỷ luật Đảng nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong nội bộ cũng được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đây là công việc thường xuyên như thể “đánh răng, rửa mặt” hàng ngày, được triển khai thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, bài bản, nghiêm minh và cũng rất nhân văn, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.

Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên. Trong đó, có 4 ủy viên và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 27 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 30 sĩ quan cấp tướng. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài đã lần lượt được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh.

Từ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay, với quan điểm chỉ đạo “không ngừng”, “không nghỉ” của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh với suy thoái, tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Ngay trước Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức cảnh cáo; thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đảng viên cấp tướng; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với bảy tướng lĩnh khác.

Sự nghiêm khắc, nghiêm minh cũng như sự quyết liệt, đồng bộ trong các chủ trương thể hiện rất rõ quyết tâm và bản lĩnh của Đảng ta khi quyết loại bỏ những “ung nhọt” để cứu cả một “cơ thể”. Chính cách làm nghiêm minh này đã tạo ra một hướng đi mới “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Những quan điểm chỉ đạo như không để “trên nóng, dưới lạnh”, “phải làm và kiên quyết làm”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, không thể “hy sinh đời bố, củng cố đời con”… đang tạo niềm tin và sự ủng hộ của người dân với Đảng trong “cuộc chiến” với tham nhũng, tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục