Kiên quyết di dời cơ sở ô nhiễm

ANTĐ - UBND TP.HCM chủ trì sơ kết tình hình thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố giai đoạn 2011-2015. Tại cuộc họp, đại diện nhiều quận, huyện cho biết, còn nhiều bất cập, chồng chéo trong công tác bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả, mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. 

Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12 bức xúc: Thành phố đã ban hành quyết định xử phạt đối với 28 công ty, cơ sở gây ô nhiễm đang sản xuất, xả thải gây ô nhiễm nặng ở khu phố 4 và 5 phường Đông Hưng Thuận với số tiền hàng tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều cơ sở bị xử phạt đến 2, 3 lần mà ô nhiễm vẫn không được khắc phục.

Nguyên nhân của tái phạm là số tiền nộp phạt còn rẻ hơn hàng chục lần so với việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. Trong khi đó, người dân hàng ngày, hàng giờ vẫn phải chịu đựng khói bụi và ô nhiễm nguồn nước.

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh tranh tra Sở TN&MT cho rằng, đặc điểm của nhiều cơ sở sản xuất trong các khu dân cư như xưởng bánh mỳ, bún, cơ khí, dệt nhuộm, chăn nuôi lợn… đều quy mô nhỏ, các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường thiếu, nên khói bụi, mùi hôi thối, chất thải ra kênh rạch rất khó xử lý. Cấp quận thì không đủ thẩm quyền phạt và di dời, các đối tượng vi phạm cũng không có điều kiện để chuyển đến địa điểm mới trong khi cấp thành phố thì không đủ người để… giám sát. Vì thế các cuộc kiểm tra liên ngành đang thiếu tính răn đe, không đủ áp lực buộc các cơ sở gây ô nhiễm phải tuân thủ quy định.  

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Lam, chuyên viên Phòng TN&MT quận 6 cho biết: Số liệu về khối lượng nước thải công nghiệp từ 13 KCX-KCN, trong đó chỉ mới có 8 khu có trung tâm xử lý, còn lại đang thải trực tiếp khoảng 250.000m3/ngày đêm nước nhiễm độc nặng vào lưu vực sông Sài Gòn. Lưu vực sông Đồng Nai cũng gần 500 làng nghề, 9.000 cơ sở sản xuất, 1.633 cơ sở y tế... xả thẳng nước thải chưa qua xử lý, chưa kể nước thải từ hàng nghìn cơ sở sản xuất thuộc các khu Trảng Bàng (Tây Ninh), Đức Hòa (Long An), Dĩ An (Bình Dương)… đổ về khiến hệ thống kênh rạch của thành phố ngày càng ô nhiễm hơn, chất lượng sống của hơn 10 triệu dân TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là lý do 9.000ha hoa màu và cây trồng của TP.HCM đang bị đe dọa bởi nước hệ thống thủy lợi bị nhiễm bẩn từ các nguồn xả thải này. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thành phố, quá trình xử lý doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường còn lỗ hổng, chồng chéo. Bên cạnh đó, hệ thống kênh rạch của thành phố hàng ngày vẫn tiếp tục bị đầu độc bởi... 40 tấn rác thải các loại chưa qua xử lý do ý thức kém, người dân thẳng tay vứt rác ra kênh rạch tạo nên những dòng kênh sủi bọt, kênh ngứa, kênh nín thở... Hoạt động nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi cũng xả các chất thải vào kênh rạch; hiện tượng nhiễm vi sinh do các công ty môi trường đổ chất thải từ bể phốt ra sông vẫn tái diễn, gây ô nhiễm cho các dòng sông của thành phố.

Không được phép để người dân nhiều khu vực của thành phố sống trong ô nhiễm, đối diện với nguy cơ bệnh tật rất cao, đặc biệt là trẻ em... UBND TP.HCM chỉ đạo Sở TN&MT, CATP và UBND các quận, huyện rà soát, báo cáo các trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn, tăng cường giám sát tiến độ xử lý ô nhiễm của các cơ sở và trong tháng 5-2012, đề xuất thành phố hướng xử lý theo thẩm quyền, ban hành quyết định cưỡng chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động các doanh nghiệp cố tình vi phạm, đồng thời đưa ra kế hoạch kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, lộ trình bắt đầu từ năm 2013 đến 2015.