Kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường

ANTD.VN - Sáng 21-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì họp Ban Chỉ đạo để thống nhất công tác quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu có biến động mạnh trong thời gian dịch Covid-19.

Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh cần quản lý giá tốt hơn giá cả theo quy luật cung cầu của thị trường, đúng quy định của pháp luật giá cả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường. Đi liền với đó là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá 

Sớm giảm giá thịt lợn xuống 60.000 đồng/kg

Về quan điểm chỉ đạo điều hành giá quý I và đến cuối năm 2010, Thủ tướng đề nghị thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để kiểm soát tốc độ giá tiêu dùng ở mức 4% theo Nghị quyết của Quốc hội. Các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp có liên quan phải thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về bình ổn giá cả thị trường trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động rất lớn bởi dịch Covid-19.

Về những nhiệm vụ cụ thể, đối với điều hành giá cả mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng nêu rõ tình trạng trung gian chiếm tỷ lệ quá cao. Do đó, Bộ NN&PTNT; Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra kéo giảm giá loại mặt hàng này với mục tiêu là sớm giảm giá thịt lợn xuống khoảng 60.000 đồng/kg. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, để có biện pháp hữu hiệu, yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm.

Song song với đó là hỗ trợ kinh phí tái đàn, việc này “nhiều địa phương chưa làm đến nơi đến chốn”. Thủ tướng chỉ đạo tăng cường kiểm tra khâu giá thành và giá bán, đặc biệt là khâu trung gian, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến thương lái, vận chuyển, giết mổ kiểm duyệt và đưa vào thị trường chợ đầu mối, sao cho đảm bảo lợi ích của các khâu. “Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đi liền với việc tăng nguồn cung ứng trong nước, tăng nhập khẩu để đảm bảo cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài; trong đó phải kiểm tra, giám sát nhập khẩu thịt lợn và thị trường; giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch và tiểu ngạch, nhất là tại các đường mòn, lối mở; tăng cường vận động người dân sử dụng thịt đông khi cần thiết.

Đối với vấn đề đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động ảnh hưởng, có đề án cụ thể trình các cấp thẩm quyền theo quy định. Bộ NN&PTNT cũng cần tiếp tục đề xuất một số chính sách tái đàn bổ sung.

Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến cung cầu thị trường, giá cả

Đối với mặt hàng gạo, Thủ tướng yêu cầu bám sát tinh thần xuất khẩu gạo có kiểm soát, đảm bảo an ninh lương thực, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm sai phạm; mua đủ dự trữ và đảm bảo quyền lợi của người nông dân sản xuất lúa, đặc biệt đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước. Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá; tránh để xăng dầu tăng đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung. 

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương giảm giá điện 10% nhưng cần cân nhắc phương thức và thời điểm phù hợp để hướng đến có lợi cho người nghèo.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc giảm giá nước sạch theo thẩm quyền.

Các bộ: Y tế, GD-ĐT, Công Thương, GTVT, Xây dựng, các cơ quan liên quan có biện pháp cụ thể giảm giá các loại vật tư, thiết bị y tế, sách giáo khoa, giá dịch vụ vận tải, bình ổn giá vật liệu xây dựng, các loại hàng hóa thiết yếu để vừa góp phần giảm khó khăn đời sống, vừa giảm chi phí sản xuất kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá cả thị trường. Riêng sách giáo khoa phải kiểm soát chặt chẽ, không được nâng giá.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, các địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc quản lý giá cả thị trường, bảo đảm đủ cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất giống, không để găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giá, trong đó có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống để chủ động chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền và đề xuất các biện pháp phù hợp, không để xảy ra biến động giá lớn trên địa bàn.

Để đảm bảo thực hiện tăng lương từ ngày 1-7 và việc điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế, giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ GD-ĐT, Y tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động để báo cáo, đề xuất kịp thời các cấp có thẩm quyền, đặc biệt trong điều kiện khó khăn. Tinh thần là chỉ tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá, đánh giá tác động vào thời điểm thích hợp…