Kiến nghị tăng mua dự trữ quốc gia lúa Hè Thu để tránh trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ NN & PTNT đề xuất Chính phủ tăng mua dự trữ lúa gạo Hè Thu để ổn định giá lúa gạo, ổn định cuộc sống nông dân phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. 

Bộ NN&PTNT thông tin, hiện nay, các địa phương phía Nam đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu rộ, trong khi đó, do đang thực hiện giãn cách nên việc vận chuyển, lưu thông gặp khó khăn. Bởi vậy, giá lúa Hè Thu tại phía Nam đang ở mức thấp.

Để ổn định cuộc sống của nông dân, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội do Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ tăng mua dự trữ quốc gia lúa gạo Hè Thu.

Các địa phương phía Nam đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, giá hiện xuống thấp

Các địa phương phía Nam đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, giá hiện xuống thấp

Trong tình hình giá lúa gạo ở phía Nam đang giảm sâu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cho triển khai chương trình thu mua dự trữ lúa gạo quốc gia để nông dân yên tâm sản xuất cũng như kích cầu sản xuất vụ thu đông.

"Lượng lúa Hè Thu đang rất nhiều, nếu không có chính sách kịp thời nhiều đối tượng sẽ trục lợi, nông dân là đối tượng thiệt thòi. Do vậy, Tổ công tác đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua dự trữ lúa Hè Thu theo chương trình dự trữ quốc gia. Khi đó, thị trường sẽ được kích cầu, giá lúa cải thiện, nông dân có động lực làm vụ lúa Thu Đông" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện đã có nông dân lưỡng lự trong việc xuống giống vụ lúa Thu Đông, vì vậy, nếu không thu mua, kích cầu thị trường lúa hè thu kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa cả năm mà Bộ NN&PTNT đã đề ra.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện, các tỉnh ĐBSCL mới thu hoạch được 600.000ha lúa Hè Thu, còn khoảng 900.000ha thu hoạch trong tháng 8, tháng 9, đây cũng là thời điểm có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất.