Kiến nghị Nhà nước rót 1.800 tỷ đồng mua lại hai trạm thu phí trên quốc lộ 91

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Bộ GTVT đưa phương án,  , chấm dứt hợp đồng trước hạn, Nhà nước bố trí vốn ngân sách khoảng hơn 1.800 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên QL91.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+00 - Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ GTVT cho hay, dự án hoàn thành đưa vào khai thác đoạn tuyến QL91 từ tháng 4/2016 và đoạn tuyến QL91B từ tháng 12/2016 đúng theo tiến độ, đúng quy định pháp luật và bảo đảm mục tiêu hiệu quả đầu tư dự án, góp phần giải quyết lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ninh quốc phòng các tỉnh Tây Nam bộ nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Từ năm 2016 - 2017, công tác thu phí diễn ra bình thường và ổn định. Sau thời gian này, đã phát sinh vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí T1 và T2 trên QL91 dẫn đến ảnh hưởng việc thu phí hoàn vốn, không bảo đảm phương án tài chính của dự án.

Trong quá trình tổ chức thu phí hoàn vốn dự án đã xảy ra phản ứng của một số tài xế tại các trạm thu phí trên toàn quốc.

Để giải quyết dứt điểm bất cập tại trạm thu phí dự án, Bộ GTVT đã chủ động cùng địa phương và nhà đầu tư nghiên cứu các giải pháp, phương án xử lý, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kiến nghị đối với trạm thu phí T2.

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ rót ngân sách để mua lại trạm thu phí T1 và T2 trên QL91

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ rót ngân sách để mua lại trạm thu phí T1 và T2 trên QL91

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, quy định của hợp đồng, đề xuất một số phương án xử lý.

Phương án 1, xóa bỏ trạm thu phí T2 và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T1 trên QL91.

Phương án này có ưu điểm là Nhà nước không phải bố trí kinh phí để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, phương án này không khả thi, không giải quyết dứt điểm tồn tại dự án do chỉ thu phí tại trạm T1 không bảo đảm doanh thu theo hợp đồng đã ký dẫn đến phá vỡ phương án tài chính và không thể hoàn vốn

Phương án 2, chấm dứt hợp đồng trước hạn, Nhà nước bố trí vốn ngân sách khoảng hơn 1.800 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên QL91.

Phương án này giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án, đáp ứng các quy định của hợp đồng và pháp luật PPP, khả thi để thực hiện.

Tuy nhiên, Nhà nước cần bố trí vốn ngân sách khoảng hơn 1.800 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước hạn, xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên QL91 (giá trị nêu trên được xác định sơ bộ đến thời điểm thanh toán dự kiến ngày 31/12/2022. Giá trị chính thức sẽ được kiểm toán xác định chính xác sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận).

So sánh ưu, nhược điểm của từng phương án, để phù hợp với hợp đồng đã ký kết, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ, giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc, Bộ GTVT kiến nghị giải pháp xử lý theo phương án 2 là chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí vốn nhà nước để thanh toán chi phí cho nhà đầu tư, xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên QL91.

Đối với phương án đề xuất này, Bộ GTVT đã báo cáo và được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận tại Thông báo số 158 ngày 26/5/2022 của Văn phòng Chính phủ “cơ bản thống nhất phương án đề xuất của Bộ GTVT để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trạm thu phí dự án".