Kiến nghị giữ pháp y công an

ANTĐ - Hôm qua, 15-5, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến vào Dự án Luật Giám định tư pháp. Nhiều ý kiến tại cuộc làm việc đề nghị tiếp tục giữ giám định pháp y trực thuộc công an các tỉnh, thành phố để đảm bảo tính ổn định cũng như hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

Lực lượng pháp y công an đã và đang phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng

Về việc nên giữ hay bỏ giám định pháp y công an, Đại tá Trần Đức Lĩnh, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội, người có gần 30 năm kinh nghiệm với nghề cho rằng, nếu chuyển hết về ngành y tế, phải cần thời gian rất dài, có khi 15 - 20 năm nữa, mới có thể đảm đương được công việc. Nêu ra những gian khổ của ngành pháp y, Đại tá Trần Đức Lĩnh cho biết, hơn 10 năm nay, CATP Hà Nội không tuyển được chỉ tiêu nào vào. Bác sỹ cuối cùng tuyển được vào năm 2001, sau khi lập gia đình, cũng đã xin thôi việc, chuyển sang bệnh viện Xanh pôn. Ông phân tích: “Phải làm rõ vì sao pháp y lại trì trệ, không thu hút được cán bộ vào làm việc? Theo tôi, nguyên nhân là do quan niệm chưa đầy đủ của người Việt về nghề pháp y. Có con, cháu làm bác sỹ thì tự hào lắm nhưng đề nghị cho làm nghề pháp y thì tránh ngay. Luật ra đời có khắc phục được tâm lý nặng nề này không?”. 

Đại tá Trần Đức Lĩnh đề nghị, dù có đặt lực lượng này ở đâu cũng phải theo hướng làm cho nó mạnh hơn lên. Đặc biệt, cần có phương án khuyến khích những cán bộ pháp y yêu nghề hiện có để phục vụ lâu dài cho công việc hết sức đặc thù này. Trước lo lắng của Đại tá Trần Đức Lĩnh, ông Nguyễn Văn Khanh, Trung tâm Giám định pháp y Hà Nội nói: “Có rất nhiều ý kiến xung quanh việc bỏ hay giữ pháp y công an tỉnh. Tôi cho là xu hướng chung nên chuyển pháp y về ngành y tế. Chúng tôi hiện đủ lực lượng để làm tốt nhiệm vụ này”.

Không đồng tình quan điểm trên, Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho rằng, trước mắt, chuyển hết pháp y về cơ quan y tế là chưa phù hợp. Ông nói: “Quan điểm của tôi về giám định pháp y là phải có tính kế thừa, chú ý yếu tố lịch sử, tính ổn định, hiệu quả. Cái gì đang vận hành tốt thì không nên thay đổi nếu chưa lường hết hậu quả của nó. Tôi chưa thấy luận cứ nào nói tổ chức pháp y công an là hạn chế. Đúng là giám định pháp y không phát triển nhưng đó là do văn hóa của người Việt như Đại tá Trần Đức Lĩnh phân tích”. Cũng chọn phương án nên giữ pháp y công an, ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Pháp y quân đội nói: “Tôi cho rằng nên thống nhất một đầu mối về giám định pháp y để tăng cường đầu tư cho lực lượng này. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ, nên duy trì pháp y công an ở những tỉnh mà pháp y thuộc ngành y tế chưa thể gánh được nhiệm vụ...”.

Thiếu tướng Ngô Tiến Quý cung cấp một thông tin đáng chú ý. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đã làm việc với cơ quan y tế cùng cấp để lấy ý kiến về việc bỏ hay giữ pháp y công an tỉnh. Kết quả tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố được báo cáo về Bộ Công an nêu rõ, chỉ có 2 địa phương đồng ý quan điểm bỏ pháp y công an tỉnh (An Giang và Cao Bằng); 1 địa phương nói nên định hướng thống nhất một đầu mối về giám định pháp y nhưng cần có lộ trình (TP Hồ Chí Minh); 11 địa phương chưa có ý kiến. Còn lại, có tới 49 tỉnh, thành phố đồng tình với việc giữ nguyên mô hình pháp ý công an như hiện tại. Thiếu tướng Ngô Tiến Quý thẳng thắn: “Quan điểm cá nhân của tôi là về lâu dài, trên phương diện lý thuyết, pháp y thuộc ngành y tế là đúng. Song, trong điều kiện hiện nay, vẫn phải giữ pháp ý công an tỉnh để tránh gây ra sự mất ổn định về mặt tổ chức”.