Kiến nghị dừng sử dụng nhà có nguy cơ cháy cao

ANTĐ - 4 vụ cháy nhà cao tầng, trong tổng số 158 vụ hỏa hoạn đã xảy ra từ tháng 7-2011 đến nay, là tỷ lệ cháy đáng báo động tại Hà Nội - đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đánh giá, tại buổi kiểm tra công tác PCCC nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô, diễn ra sáng qua (15-2).

Nhiều nhà cao tầng đang bộc lộ bất cập trong công tác PCCC

Nhiều vi phạm về lối thoát nạn

Đại tá Trần Ngọc Dương - Trưởng phòng Tham mưu, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: Trên địa bàn hiện có 2.001 nhà cao tầng, trong đó 368 nhà từ 7 tầng trở lên, 1.633 nhà dưới 6 tầng. Từ tháng 7-2011 đến nay, trên địa bàn xảy ra 158 vụ hỏa hoạn, làm chết 12 người, bị thương 14 người, thiệt hại về tài sản hàng chục tỷ đồng. Riêng nhà cao tầng xảy ra 4 vụ, mới đây là vụ cháy chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. Kết quả kiểm tra an toàn PCCC các chung cư, nhà cao tầng cho thấy, hầu hết các tòa nhà đều vi phạm, điển hình là vi phạm về lối thoát nạn. Trong 368 nhà từ 7 tầng trở lên, chỉ có 236 nhà lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố, 128 nhà có buồng thang kín. Đáng chú ý, chỉ 18 chung cư lắp đặt điều áp buồng thang thoát nạn đạt chuẩn, có khả năng ngăn khói xâm nhập khi hỏa hoạn xảy ra.

Đánh giá những vụ cháy nhà cao tầng thời gian qua, đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cho rằng: 2,5% hỏa hoạn xảy ra tại nhà cao tầng là tỷ lệ cháy đáng báo động ở Hà Nội. Theo tài liệu nghiên cứu của Nga, 85% số người tử vong trong cháy nhà cao tầng là do ngạt khói, số còn lại là chết cháy, chết bỏng và chết do nhảy từ trên cao. Lối thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố nhà cao tầng ở Hà Nội thiếu an toàn như vậy, tỷ lệ người chết vì hít phải khói độc chắc sẽ rất cao, trong trường hợp không may cháy lớn xảy ra - đại diện Cục này nhận định.

Cùng với đó, việc sử dụng, lắp đặt thiết bị điện ở các nhà cao tầng bộc lộ nhiều bất cập. Lực lượng PCCC cơ sở ứng trực quá “mỏng” ở nhiều chung cư, có nơi chỉ 1 người, không đủ khả năng vận hành hệ thống PCCC, xử lý cháy khi hỏa hoạn xảy ra - Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết thêm. Chưa hết, nhiều chung cư ở Hà Nội tỷ lệ nhà dân cho thuê căn hộ làm văn phòng cao, làm mật độ người trong tòa nhà quá tải, ảnh hưởng đến việc thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Tránh kiểm tra rồi… bỏ lọt

“Cảnh sát PCCC không cần kiểm tra cùng lúc nhiều nhà cao tầng. Cốt lõi kiểm tra, phát hiện vi phạm và giám sát cơ sở khắc phục bằng được vi phạm đó. Kiểm tra ít nhưng hiệu quả cao, tốt hơn làm tràn lan mà bỏ lọt vi phạm - Thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, Bộ Công an quán triệt tinh thần cuộc tổng kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm, nhà cao tầng sẽ triển khai trong thời gian tới. Nói về vụ cháy khu B, chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ lưu ý: Các phòng nghiệp vụ thuộc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cần phòng ngừa hỏa hoạn ngay từ khâu thẩm duyệt PCCC công trình. Phải chăng lực lượng chức năng  không phát hiện ra nguy cơ cháy thông tầng tại trục kỹ thuật chung cư này? Thẩm duyệt không phát hiện, nghiệm thu lẽ nào bỏ qua, kiểm tra sau đó có phát hiện vi phạm này không? - vị này đặt câu hỏi.

Một bất cập trong công tác PCCC nhà cao tầng hiện nay là nhiều khu tập thể cũ, 6 tầng trở xuống, nhà tái định cư… không xây dựng được phương án chữa cháy, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn. Với số chung cư này, Sở Cảnh sát PCCC sẽ yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị quản lý tổ chức cải tạo, sửa chữa. Trường hợp không thể cải tạo được hoặc có nguy cơ cháy cao, dẫn đến thiệt hại lớn về người sẽ kiến nghị thành phố cho ngừng sử dụng - Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết.