Kiến nghị đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân

ANTĐ - Đại diện 3 tổ chức gồm Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ, Hội Khuyến học và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam vừa gửi Chính phủ kiến nghị về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và cơ chế phân luồng học sinh, sinh viên. 
Kiến nghị đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân ảnh 1

Sớm khắc phục những hạn chế cố hữu

Điểm quan trọng trong kiến nghị  này là vấn đề cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay hoàn toàn không đáp ứng được các định hướng quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 29 như: xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ…

Do đó, 3 tổ chức trên thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ký ban hành “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” sau khi cơ cấu mới của Hệ thống giáo dục quốc dân được phê chuẩn. Việc sớm ban hành “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa như kế hoạch của Bộ Giáo dục - Đào tạo là một động tác nửa vời, không mang tính “đổi mới cơ bản và toàn diện” và sẽ gây nhiều tổn thất tiền của của Nhà nước và người dân. Các tổ chức trên cũng gửi kèm kiến nghị hệ thống giáo dục quốc dân và sơ đồ phân luồng cho học sinh, sinh viên Việt Nam từ sau năm 2015 dựa theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29. 

Các hiệp hội cho rằng: “Sơ đồ này sẽ giúp giáo dục Việt Nam sớm khắc phục những hạn chế cố hữu trong nhiều năm qua như không có tính “mở”, không tạo đươc sự phân luồng người học, không liên thông giữa các trình độ, các chương trình mang nặng tính “hàn lâm” dẫn tới tình trạng cơ cấu nhân lực bị méo mó, không đồng bộ, khó hội nhập quốc tế, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, tình trạng quá tải trong các kỳ tuyển sinh ĐH…”.

Những việc cần thay đổi ngay

Các tổ chức này cũng đề xuất những việc cần làm ngay để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đầu tiên là đổi tên trường trung cấp  nghề thành trung học nghề, điều chỉnh lại chương trình mục tiêu và chương trình đào tạo. Bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn để có thể học lên khi có cơ hội, vừa thành thạo nghề. Các hiệp hội đề nghị Bộ chuyển đổi các trường TCCN theo 2 hướng: cao đẳng thực hành hoặc trung học nghề. Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để thành các trường trung học nghề. 

Đối với khối đại học, cần quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường đại học theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường trọng điểm. Các trường địa phương và trường của các Bộ ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực địa phương. Các hiệp hội cũng đề nghị Bộ sớm ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục các cấp và khẩn trương xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập.