Kiến nghị điều chỉnh mức hưởng cho giáo viên mầm non có lương hưu thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn trả lời cử tri tỉnh Nghệ An về việc kiến nghị điều chỉnh mức lương hưu của giáo viên mầm non để đảm bảo cuộc sống từ lương hưu.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, gửi ý kiến tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV, cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh từ năm 2008 trở về trước là giáo viên mầm non dân lập (vào nghề năm 1985) hưởng lương từ trợ cấp lúa của Hợp tác xã và nguồn học phí do phụ huynh học sinh đóng góp nên chưa được đóng bảo hiểm xã hội.

Đến năm 2008 thì được chuyển sang mầm non công lập. Năm 2013, Bảo hiểm xã hội Việt nam có Công văn số 3658 ngày 7/9/2013 cho phép truy thu bảo hiểm xã hội đối với giáo viên có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ tháng 01/1995 đến năm 2001 (truy đóng 05 năm), trên cơ sở đó số giáo viên đã tham gia đóng đủ số bảo hiểm truy thu và lãi theo quy định.

Nhưng đến nay, khi đã về hưu lại được hưởng mức lương quá thấp do bảo hiểm xã hội tỉnh tính bình quân số năm đóng bảo hiểm. Cử tri kiến nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo cuộc sống từ lương hưu.

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngày 19/8/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; trong đó có chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng lương hưu, ngày 22/3/2004 Bộ GD-ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành văn bản số 2150/GDĐT-BHXH về việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non; theo đó giáo viên mầm non đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở giáo dục mầm non trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian từ tháng 01/1995 đến khi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội với mức đóng bằng 15% của mức tiền tiền lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở) tại thời điểm thu nộp.

Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn tại Công văn số 1865/LĐTBXH-BHXH ngày 29/5/2013 và Công văn số 1093/LĐTBXH-BHXH ngày 10/4/2014, trên cơ sở đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013 và số 2301/BHXH-BT ngày 27/6/2014 hướng dẫn BHXH các tỉnh và thành phố tiếp tục thực hiện truy thu bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mần non.

Kết quả là nhiều giáo viên mầm non do được truy đóng bảo hiểm xã hội nên đã đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức lương hưu đối với người lao động nói chung và giáo viên mầm non tại Nghệ An nói riêng được xác định trên nguyên tắc đóng - hưởng.

Theo đó, mức hưởng được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội và được quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức thực hiện theo đúng quy định nêu trên. Tuy nhiên, do giáo viên mầm non có thời gian đóng bảo hiểm xã hội không dài, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nên mức hưởng lương hưu nhìn chung là thấp.

Trước thực tế trên, với vai trò của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, không có thẩm quyền ban hành chính sách; Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, giải thích chính sách bảo hiểm xã hội để đội ngũ giáo viên mầm non nắm được nguyên tắc đóng - hưởng trong việc tham gia, thụ hưởng chính sách và cùng phối hợp thực hiện.

Đồng thời tiếp thu ý kiến phản ánh kiến nghị, tổng hợp tình hình báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, hoạch định và ban hành chính sách an sinh xã hội quốc gia.