Kiến nghị cần có cơ chế giám sát chặt chẽ công tác đặc xá, tha tù

ANTĐ - ĐBQH Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn trong công tác đặc xá, tha tù. Cần thiết phải sửa Luật Hình sự, siết chặt đối với tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, tội phạm có sử dụng vũ khí nóng…

Đại biểu Nguyễn Đức Chung: “Cần phải có những quy định, 
những chế tài hết sức nghiêm ngặt để phòng ngừa tội phạm”

5 loại tội phạm cần chú ý

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ của đoàn ĐBQH Hà Nội chiều 26-10, ĐBQH Nguyễn Đức Chung, bày tỏ quan điểm nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về vấn đề này. ĐBQH Nguyễn Đức Chung dự báo trong thời gian tới, có 5 loại tội phạm sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, cần phải có những quy định, những chế tài hết sức nghiêm ngặt để phòng ngừa.

 Đầu tiên là tội phạm xuyên quốc gia, có sự móc nối giữa tội phạm trong và ngoài nước để lừa đảo tiền, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em (thậm chí có cả những đường dây buôn bán trẻ em để lấy nội tạng cung cấp cho một số trung tâm y tế ngoài nước) cũng diễn biến đáng lo ngại. Thứ hai tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng nhiều và công khai hơn. Các đối tượng tội phạm buôn bán ma túy trung chuyển qua Việt Nam để đi nước thứ 3, hoặc vào nội địa để tiêu thụ với thủ đoạn tinh vi, số lượng ma túy lớn và rất manh động. Thứ ba là tội phạm vị thành niên đang có xu hướng ngày càng nhiều. Thứ tư, tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao, lợi dụng internet, các mạng thương mại điện tử ngày càng phát triển. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện được nhiều vụ án chiếm đoạt lượng tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là lĩnh vực tội phạm mới, nhưng tính chất lại hết sức nghiêm trọng. Thứ năm, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực tham nhũng khác ngày càng phức tạp, xuất hiện những vụ chiếm đoạt tài sản với số lượng rất lớn. 

Cần có chế tài cho các bậc phụ huynh

ĐBQH Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước xu hướng tội phạm đang ngày càng trẻ hóa. Ông phân tích: Qua theo dõi từ năm 1995 lại đây, có tới khoảng 70.000 vụ ly hôn/năm. Trong đó, tội phạm vị thành niên rơi vào những gia đình này chiếm trên 60%. Nhiều học sinh nghỉ học ngang chừng, khi chưa hết THPT, trong khi xã hội ngày một phát triển, dẫn đến tình trạng hư hỏng, phạm tội… Yếu tố giáo dục quản lý từ gia đình là rất quan trọng, vì thế cần phải có chế tài cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái, như một trách nhiệm đối với xã hội, không thể buông lỏng.

Đồng quan điểm với một số ĐBQH trong đoàn Hà Nội, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện nay một số người mãn hạn tù rất khó để hòa nhập với cộng đồng, số được trở lại cơ quan, doanh nghiệp cũ làm việc rất ít. Thiếu việc làm khiến nguy cơ tái phạm vô cùng lớn. Thực tế cho thấy, một nửa số tội phạm mà lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý mỗi năm là những trường hợp tái phạm. 

Qua đó, một giải pháp được ĐB Nguyễn Đức Chung gợi mở: Có thể có cơ chế cho các trại giam thành lập doanh nghiệp, kinh doanh sản xuất chính là nơi giải quyết đầu ra cho các phạm nhân được tha tù. ĐB Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, cần có cơ chế chặt chẽ hơn trong việc xét đặc xá, giảm án, tha tù cho các tội phạm. Thậm chí với một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng như: giết người, buôn ma túy số lượng lớn, tội phạm có tổ chức, tội phạm gây án có vũ khí… Luật Hình sự nên có quy định không đặc xá, giảm án. ĐB Nguyễn Đức Chung đồng thời đề cập đến hiện tượng lãng phí lớn tài sản vật chứng do không bảo quản tốt như hiện nay và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần đầu tư xây dựng hệ thống kho vật chứng để bảo quản tài sản tịch thu từ các vụ án nhằm tránh gây lãng phí lớn (hiện tượng ô tô, xe máy phơi mưa nắng ngoài trời, gây hư hỏng…).

Cần biên chế cho lực lượng công an xã

Về giải pháp, ĐB Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, chính quyền cơ sở, cụ thể là UBND các xã, phường chính là đơn vị hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc, tiếp nhận phản ánh của người dân, là đơn vị tuyên truyền, phổ cập kiến thức pháp luật đến người dân nhanh nhất và hiệu quả nhất, song thực tế lại ít được quan tâm. Đặc biệt, lực lượng công an xã, không chỉ riêng Hà Nội mà trên cả nước đang vừa thiếu, vừa yếu. Chế độ phụ cấp cho một công an viên xã rất thấp, bình quân chưa đến 1 triệu đồng/ tháng, trang thiết bị được đầu tư càng hạn chế nên hiệu quả chưa cao. 

Ông nói: “Qua tiếp xúc cử tri, đa phần cử tri đều cho rằng cần phải nâng cao phụ cấp cho lực lượng công an viên xã, bởi ở các làng xã hiện nay dân số đông, vấn đề an ninh trật tự cũng hết sức phức tạp. Riêng cá nhân tôi đề nghị, sắp tới nên có chính sách đưa đội ngũ công an viên xã vào biên chế chuyên nghiệp của ngành công an để nâng cao hiệu quả đấu tranh, không nên để tình trạng bán chuyên nghiệp như hiện nay”. Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Đức Chung kiến nghị Quốc hội: Từng kỳ họp, Quốc hội có thể cho sửa đổi, bổ sung thêm các điều luật trong Bộ luật Hình sự, giúp các cơ quan tư pháp có chế tài rõ ràng, để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thực tiễn.

Trong phiên thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chiều 26-10, đa số ý kiến các ĐBQH nhận định: Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như nội địa bề bộn khó khăn, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống dân sinh nhưng tình hình an ninh chính trị đất nước vẫn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, nhạy cảm, gây bức xúc dư luận trên mọi lĩnh vực đều được điều tra, xử lý nhanh chóng, hiệu quả. Đó là một trong những thành tựu lớn của năm 2012, trong đó vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân đã được thể hiện rõ nét.