Kiểm tra thực trạng xây dựng nhiều công trình mới tại Di tích Quốc gia chùa Đậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 13/4, Đoàn công tác của Bộ VHTT&DL đã có cuộc kiểm tra nhằm làm rõ nội dung phản ánh của báo chí đối với việc mở rộng xây dựng ở Di tích Quốc gia chùa Đậu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trước đó, Báo ANTĐ đã thông tin tới bạn đọc về việc chùa Đậu được xây mới nhiều hạng mục khiến ngôi chùa có hơn 2.000 năm tuổi bỗng chốc được trẻ hóa.
Hình ảnh chùa Đậu trước đây

Hình ảnh chùa Đậu trước đây

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, báo chí không hề “quá lời” mà hoàn toàn có cơ sở khi phản ánh thực trạng xây dựng ở chùa Đậu

Sau khi xác định phạm vi bảo vệ di tích, đoàn kiểm tra đã đánh giá, công trình có tên gọi “Giảng đường”, theo sơ đồ của chùa là công trình xây mới và không được cấp phép, vi phạm Luật Di sản. Điều này đã được đoàn kiểm tra đối chiếu với hồ sơ xếp hạng di tích năm 1964, cùng hồ sơ địa chính xác lập năm 1993, công trình nằm trong vùng bảo vệ 2 của di tích.

Phó Cục trưởng Trần Đình Thành (ngồi) kiểm tra sơ đồ, hồ sơ xếp hạng di tích chùa Đậu

Phó Cục trưởng Trần Đình Thành (ngồi) kiểm tra sơ đồ, hồ sơ xếp hạng di tích chùa Đậu

Chưa kể, công trình chỉ cách Tam bảo, nhà Tiền đường, nhà Tổ - các hạng mục di tích cổ một bức tường. Với kết cấu cột thép cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói Tây đã ảnh hưởng đến không gian và khuôn viên di tích.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cũng nhận định việc mở đường dẫn từ bãi đỗ xe vào chùa là hành động điều chỉnh lối vào của di tích. Vì công trình tu bổ này vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng nên Phó cục trưởng Trần Đình Thành đề nghị, sau cuộc kiểm tra này, Sở VH&TT Hà Nội cùng các cơ quan chuyên môn cần có đánh giá lựa chọn sơn mộc cùng tông màu phù hợp hơn với di tích.

Hình ảnh chùa Đậu sau tu bổ

Hình ảnh chùa Đậu sau tu bổ

Đối với 3 hạng mục được xem là hoành tráng, bê tông hóa gồm: Tháp quan âm, Bảo tháp mạn đà la, Thủy đình di lặc… thì chưa xác định có nằm trong vùng bảo vệ di tích hay không. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín, Hà Nội) Nguyễn Trường Xuân cho biết, đây là phần đất ruộng được sư trụ trì mua lại của bà con nhân dân để mở rộng không gian di tích.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, dù chưa xác định công trình có nằm trong mốc giới bảo vệ di tích hay không, nhưng theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, với những công trình xây dựng nằm sát với di tích đã xếp hạng vẫn phải có ý kiến của ngành văn hóa, để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh của di tích.

Chuyện xây dựng trái phép làm biến đổi cảnh quan di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia từ lâu không còn là điều mới mẻ, nó xảy ra thường xuyên và công khai. Nhưng ngặt nỗi chính quyền cơ sở lại “không phát hiện được” và khi đã phát hiện được thì lại không có cách nào giải quyết triệt để vấn đề.

Được biết, theo đề xuất của UBND huyện, Hà Nội hiện đã và đang xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL trình Chính phủ công nhận chùa Đậu là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, với việc xây dựng phá vỡ cảnh quan di tích gốc của chùa Đậu, Đoàn Kiểm tra cho rằng sẽ ảnh hưởng tới quá trình xem xét của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

Trước đó, trong văn bản số 791/SVHTT-QLDT do Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thế Cương ký gửi UBND huyện Thường Tín cũng đã xác định rõ, việc mở rộng xây dựng nhiều hạng mục này “có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Di sản Văn hóa và các quy định hiện hành của Pháp luật và Thành phố”. Văn bản này đề nghị UBND huyện Thường Tín có báo cáo về Sở trước ngày mai, 15/4/2021.

Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.