Kiểm toán khách quan, kịp thời "bắt lỗi" trạm thu phí BOT

ANTD.VN - Thời gian gần đây, các cuộc thanh tra, kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ ra nhiều sai phạm, gian dối tại các trạm thu phí BOT, dẫn đến việc người dân phải trả phí cao và thời gian dài hơn thực tế. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, có ý kiến cho rằng: dự án BOT do nhà đầu tư đang xây dựng hoặc đã hoàn thành, đang trong thời gian kinh doanh, chưa chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, do vậy chưa phải là tài chính công, tài sản công, chưa là đối tượng của Kiểm toán… 

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

"Kiểm toán được vào hay không" là ngộ nhận

Giảm thiểu tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lắp để tránh lạm dụng và giảm gánh nặng quản lý hành chính cho doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng là cần thiết. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, cũng rất cần thiết phải tăng cường kiểm toán, giám sát đủ năng lực, công cụ nghiệp vụ và công tâm để bóc tách đúng các chi phí và các khoản thu trong các dự án BOT giao thông, ngăn chặn tình trạng đội vốn đầu tư giả tạo, khai gian mức thu và đòi tăng phí thu vô lý của nhiều dự án loại này. 

Bởi, cả thực tế và pháp lý đều cho thấy, những trạm BOT là tài sản công, các doanh nghiệp chỉ là được Nhà nước ủy quyền để đầu tư. Hơn nữa, phí qua trạm BOT là thu theo Thông tư 12 của Bộ Tài chính và là tài chính công, do Nhà nước quản lý, cần phải kiểm soát. Mà đã là tài sản công và tài chính công thì đương nhiên thuộc đối tượng kiểm toán theo thẩm quyền của KTNN. Nói cách khác, KTNN có đủ thẩm quyền tiếp cận, thực hiện kiểm toán các dự án BOT theo kế hoạch đã báo trước và công khai theo đúng nhiệm vụ và chức năng “chuẩn chỉ” của KTNN.

Cuộc tranh luận “được vào hay không được vào” kiểm toán các dự án BOT này đã cho thấy một sự ngộ nhận: Tại sao lại coi những dự án BOT do nhà đầu tư đang xây dựng hoặc đã hoàn thành, đang trong thời gian kinh doanh, chưa chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý thì chưa phải là tài chính công, tài sản công? Phải chăng chúng là tài sản riêng, thuộc sở hữu và toàn quyền sử dụng, vận hành, tăng giá thu phí tùy ý của doanh nghiệp hay chủ dự án xây dựng theo phương thức BOT? Trong khi, trong các dự án đầu tư kiểu công - tư (dù là BOT hay BTO) Nhà nước đóng góp một phần tài sản không hề nhỏ, dưới dạng tiền của, tài chính và đất đai, nền đường cũ và các dạng tài sản khác tham gia vào dự án? 

Cần nhấn mạnh rằng, văn bản pháp lý là rõ ràng và cần được hiểu đúng, không để tình trạng ngộ nhận và giải thích văn bản pháp lý sai lệch như vậy vì bất kỳ lý do nào. Hơn nữa, không nên đồng nhất các hoạt động thanh tra ngành với hoạt động kiểm toán… 

Bịt động cơ lợi ích nhóm

Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải, tăng đầu tư xã hội phát triển các tuyến đường cao tốc, các con đường mới theo nhiều hình thức, trong đó có BOT là đúng đắn, cần thiết. Dự án BOT là động lực phát triển giao thông vì lợi ích quốc gia và cộng đồng xã hội chung. Nhưng ý nghĩa của các dự án BOT giao thông này chỉ phát huy tối ưu khi bảo đảm hài hòa lợi ích, dựa trên tính đồng bộ, tổng thể trong quy hoạch và dự án giao thông có chất lượng cao; không cắt khúc, băm nhỏ hệ thống đường bộ và loại bỏ sự lựa chọn cho người và phương tiện tham gia giao thông; nhất là không áp đặt, nhập nhằng cơ sở tính giá.

Bởi vậy, kiểm toán và công khai những cơ sở tính và mức thu phí các dự án giao thông BOT này để tạo lập những cơ sở pháp lý chặt chẽ, xác đáng và minh bạch hơn cũng cần được đặt ra như một ưu tiên của ngành Kiểm toán. Theo đó, cần phân biệt đầu tư hoàn toàn mới với đầu tư nâng cấp trên nền cốt đường cũ đã có. Đây cũng là căn cứ quan trọng nhất (ngoài những thông số về mật độ và loại phương tiện đi lại, cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác) để tính phí và thời gian mà chủ đầu tư được phép thu sau khi đưa dự án vào khai thác, hoàn vốn đã đầu tư.

Việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao hoặc không công khai thông tin, kết quả các cơ sở tính phí, nhất là thẩm định và kiểm toán độc lập, khách quan các số liệu trong dự toán, cũng như trên thực tế trước và sau khi dự án hoạt động dễ tạo kẽ hở, tùy tiện cho lạm dụng và khiến nảy sinh những nghi ngại về độ chính xác hợp lý của mức phí và thời gian thu phí, đối tượng thu phí; tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và thiệt hại cho xã hội từ động cơ lợi ích nhóm và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng. 

Đặc biệt, trong quá trình kiểm toán và thẩm định, cần kịp thời “bắt lỗi” những hành vi thiếu trách nhiệm hoặc tham nhũng, làm giảm sút chất lượng và hiệu quả dự án, năng lực và hiệu lực quản lý Nhà nước trong xây dựng và triển khai các dự án, nhằm hài hòa lợi ích, an lòng dân, bảo đảm trật tự xã hội, an toàn giao thông và không cản trở các mục tiêu vĩ mô khác trong xây dựng và triển khai dự án BOT, chủ trương xã hội hóa đầu tư và các lợi ích quốc gia khác…

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã hoàn thành kiểm toán việc thu phí ở trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh), kết quả cho thấy: Thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, tới đây, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14 năm rưỡi, rút ngắn được 5 năm rưỡi. Hơn nữa, theo kết quả đợt giám sát, kiểm tra đột xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam giữa tháng 7-2016 về công tác thu phí tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khai thác quản lý cho thấy, mức thu phí bình quân qua trạm thu phí này lên tới gần 2 tỷ đồng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với con số 1,2 tỷ đồng mà Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) - một trong những cổ đông của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, tiết lộ hồi tháng 5-2016… 

Các trạm BOT phải giảm 15-20% phí

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa yêu cầu các trạm thu phí BOT phải giảm 15-20% phí qua trạm với tất cả các nhóm phương tiện. 

Cụ thể, sẽ giảm 15% mức phí (tương ứng với 10 nghìn đồng/lượt) đối với nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt) và nhóm 2 (xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn).

Với nhóm 4 và nhóm 5, mức giảm sẽ là 20%, tương ứng với 20 nghìn đồng và được thực hiện thống nhất đối với tất cả các trạm. Bộ GTVT sẽ có văn bản thống nhất với Bộ Tài chính theo tinh thần yêu cầu giảm phí ngay, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư theo hướng rút gọn, chậm nhất có hiệu lực từ ngày 1 đến 15-9-2016.