Kiểm toán 9 dự án BOT, giảm 56 năm thu phí

ANTD.VN - Kết quả kiểm toán năm 2019 đối với 9 dự án BOT ngành giao thông cho thấy, hầu hết các dự án đều có sai sót. Đặc biệt, qua kiểm toán tại 9 dự án này, đã giảm đến 56 năm thu phí hoàn vốn. 

Kết quả kiểm toán các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2019 cho thấy, với 9 dự án BOT, Bộ GTVT cho phép lập dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

Không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công như tại dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và QL1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hình thức BOT.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận qua kiểm toán giảm bị chỉ ra nhiều sai sót

Ngoài ra, Bộ GTVT xác định sai tăng tổng mức đầu tư như tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư 45,4 tỷ đồng, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT (kiểm toán đợt 2) 61,9 tỷ đồng, dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT 7,7 tỷ đồng…

Một số dự án thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu như tại dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT (như tại dự án cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn dự án thành phần 2 chưa ký kết được hợp đồng tín dụng) hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án).

Thêm vào đó, việc sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án (như tại dự án Dự án BOT An Sương - An Lạc sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục cầu Tân Kỳ Tân Quý không thuộc trên tuyến đường dự án với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 925 tỷ đồng, trong đó, có dự án tỷ lệ xử lý lớn như Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán đợt 1) 34,3 tỷ đồng (6,39%), Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành phố Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT 340,4 tỷ đồng (7,63)%.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án, tổng là 56,4 năm so với phương án ban đầu.

Cụ thể như, dự án cầu Hoà Trung trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có tổng mức đầu tư 383 tỷ đồng giảm 15,8 năm, dự án cầu Chà Là giảm 13,9 năm, dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn An Sương - An Lạc giảm 6,3 năm, dự án đầu tư xây dựng đoạn thị xã Ninh Hòa và cải tạo QL26 - tỉnh Khánh Hòa giảm 4,9 năm…