Kiếm tiền tỷ ư? dễ ợt!

ANTĐ - Cách kiếm tiền tỷ của người đàn ông này thật dân dã, cứ phô ra mắt thiên hạ, vậy mà chẳng mấy ai làm theo.

Chơi “thảo cầm viên”

“Bây giờ cái gì người ta cũng thích đồ ở quê hơn ở thành phố, nhất là đồ ẩm thực. Đồ nhà quê được dân thành phố “tín” đến mức, cái gì người ta cũng thốt lên “quà quê đấy”. Tôi thì là người nhà quê trăm phần trăm, nhưng mà hay đi đây đi đó, thế nên biết cái sở thích của người thành phố qua câu chuyện phiếm ở chỗ này, chỗ khác. Cứ thế, tôi đúc kết từ câu chuyện nhặt ra rằng, à giờ đồ nhà quê lên ngôi rồi. Thế là tôi bỏ nghề làm gạch, chuyên tâm sang nuôi nhím, ba ba, chồn”- ông Hùng cứ thủng thẳng câu chuyện, đúng tính cách chân chất của lão nông dân mộc mạc.

Thức ăn cho vật nuôi ông Hùng đều tự trồng trong vườn

Cái thú điền viên thì hầu hết đều có trong người nông dân, nhất lại là người ở những nơi ví như thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình này. Nhà ông Hùng ở đây từ nhiều đời. Trước đây, có ai biết ông Đỗ Mạnh Hùng là ai đâu, ngay cả ở thị trấn nhỏ bé này cũng chỉ có người biết, người không. Vốn chất phác, hiền lành, nên ông Hùng sống lặng lẽ với những lò gạch bên suối, lấy đất phơ làm bạn quanh năm nên việc giao lưu bó gọn trong khuôn khổ thửa đất làm gạch. Người lính trở về quê hương sau những năm cống hiến tuổi trẻ, họ chẳng bao giờ nề hà thử thách trong cuộc sống ở nơi gian khó. Điều đó như bản lĩnh sẵn có mà ông Hùng nhiều đêm suy tư, bạc tóc để tìm cách có cuộc sống khấm khá hơn.

Ông Hùng chọn ba ba gai nuôi vì có giá trị kinh tế cao

Đất sẵn, sức có, gạch vụn nhiều... Vậy thì sao để nó phí? Ông Hùng bắt tay vào việc đổi “nghề” từ gạch sang “điền viên vui thú” khiến bà vợ giận chồng hậm hực ăn ngủ không ngon. Cứ thế, như con kiến, con ong, ngày khỏe đào nhiều đất đắp hồ, ngày yếu làm ít, vậy mà cũng hình thành mấy ao lớn để thả ba ba. Không thể được! Đã nuôi ba ba thì phải nuôi con gì khác cho phong phú hàng hóa. Chứ nuôi một thứ thì nhỡ không may… Mà đã làm thì phải theo thị trường, khi thị trường có nhu cầu gì thì mình phải đáp ứng ngay cái đó. Cứ quyết đoán, tính toán kỹ lưỡng, cái bản tính của anh lính cụ Hồ, thế rồi cũng hình thành “thảo cầm viên” thu nhỏ trong gia đình. Ao trước, ao trên, ao dưới… Nào nhím, nào ba ba gai, nào chồn… toàn đồ quê mà lại được dân thành phố chuộng. Đặc sản của núi rừng ở ngay trong nhà ông Hùng sau những chuyến đi khắp nơi mua giống. Giờ ngẫm lại phía sau, ông Hùng thấy mình sao lại “hung hăng” đến thế: “Tôi phóng xe máy đi tận Ba Khe, Văn Chấn, Yên Bái mua mấy con ba ba giống về. Đi phải trốn vợ chứ không bà ấy biết thì rách chuyện lắm…”- ông Hùng nhớ lại.

Ông Hùng cưng những con thú "đẻ" ra tiền

Ông Hùng bảo: “Mang trong tay mấy con ba ba giống từ Văn Chấn về, đi một mạch không dám nghỉ ngơi ngang đường để ăn cơm. Về đến nhà mệt nhoài, trong cả ngày không ăn uống gì…” Quả là, thảm đỏ không đơn thuần là nhung lụa. Để có miếng ăn miếng để như hôm nay, ông Hùng phải vất vả khổ sở hơn bao giờ hết. Thức đêm chăm vật nuôi còn hơn cả chăm…vợ ốm.

“Máy in tiền là đây”

Ba ba gai có giá tại ao là 1,8 triệu đồng/một cân. Chồn 160 nghìn đồng một ký. Nhím 200 đồng một cân. Tính đơn giản theo giá cả thị trường, ông Hùng cũng kiếm được khoảng 1,2 tỷ đồng một năm. “Số tiền này là tiền tươi hẳn hoi. Chẳng ai nợ nần đối với những đồ đặc sản này cả. Thuận mới mua, có tiền mới mua chứ ai lại mua đồ ăn mà nợ chịu bao giờ”- ông Hùng nói.

Vợ chồng ông Hùng lấy thức ăn cho chồn

Thế đấy, kiếm tiền tỷ dễ ợt, sờ sờ ngay trước mắt, nhưng có phải ai cũng làm được đâu. Ở đây, so với tấm gương ông Hùng, tạm gác việc giỏi giang sang một bên. Mà cần nói đến việc chuyên tâm, chịu khó. Chịu thương chịu khó thì chẳng mấy ai khó, ai nghèo mãi cả. “Ông Hùng tâm sự: “Làm giầu thì khó, chứ làm để sinh sống bình thường, có đồng ra, đồng vào thì không khó, nhưng phải chịu khó”.

Nhìn khu nuôi thả của ông Hùng, toát lên vẻ ổn định vững vàng về kinh tế. Cũng bởi, ông làm cái gì ra cái đó, rất khoa học. Ba ba thay nguồn nước để tránh dịch bệnh. Nơi nuôi thả nhím thoáng mát, kiểm tra hàng ngày, chồn nhốt nơi khô mát và cho ăn đúng và đủ. Đơn giản, không có gì khó. Phát triển kinh tế chăn nuôi thì phải vất vả. Điều đó không bàn cãi. Ông Hùng xác định rõ như vậy. Nên sự chuyên tâm cho việc đã chọn rất cao. Giờ nhiều ngươi thành phố hướng tới mô hình nông trang, chọn vùng quê ngoại thành để tìm đến cuối tuần. Nhiều người có điều kiện mua luôn trang trại nhờ người chăn thả để phục vụ sinh hoạt hành ngày. Đó cũng là cách hưởng thụ mà an toàn, bởi hiện nay thị trường đồ an uống thật bất trắc, không biết đằng nào mà lần.

Khuôn viên "thảo cầm viên" của ông Hùng

Chính những lo lắng, rồi thì thấy đồ quê lên ngôi nên ông Hùng mới chuyển hướng để phát triên kinh tế. Nuôi nhím, nuôi chồn, ba ba toàn những con là sản vật của núi rừng, nếu người vụ lợi đưa loài thuốc chăn nuôi nào đó vào thì không những không nhanh lớn mà còn chết hết cả ao. Chính vì thế, món ăn dân dã gọi là “quà quê” ở trang trại của ông Hùng là đặc sản người dân tin dùng. Tuy nhiên, giá cả còn cao, nên còn việc dùng phổ biến vẫn còn ở tương lai. Chính vì thế, mà ông Hùng kiếm tiền tỷ dễ ợt.