Kiếm tiền đi tour Tết - Tại sao không?

ANTĐ - Dịp Tết cận kề cũng là thời điểm các công ty lữ hành lo lắng về tình hình khan hiếm hướng dẫn viên du lịch. Nguyên nhân thì có nhiều hướng dẫn viên du lịch có tâm lý tránh nhận tour Tết để dành thời gian về ăn Tết với gia đình. nhưng đây lại là cơ hội kiếm tiền của không ít bạn trẻ trong những ngày đầu xuân.

Kiếm tiền đi tour Tết - Tại sao không? ảnh 1Nhiều công ty đang lo thiếu hướng dẫn viên du lịch dịp Tết Nguyên đán

Nỗi niềm hướng dẫn viên 

Anh Lương Văn Quang, ở Bắc Quang, Hà Giang, một hướng dẫn viên du lịch tự do trao đổi nhanh với chúng tôi trong lúc đang chuẩn bị dẫn một đoàn khách đi Sơn La cho biết, năm nay, anh quyết định không nhận tour vào cao điểm dịp Tết. Cả năm đã nhận khá nhiều tour, nên ngày Tết ai nấy cũng rất muốn về nhà nghỉ ngơi. Anh Lương Văn Quang chia sẻ: “Thực ra nếu xác định chạy tour Tết thì phải gạt bỏ hết các việc riêng hay các hoạt động cá nhân khác. Đã 2 năm liên tiếp tôi đều nhận dẫn các đoàn khách vào dịp Tết, năm ngoái dẫn một đoàn đi Mộc Châu, Sơn La đến tận 26, 27 Tết mới về nhà, chỉ kịp đi thăm gia đình nội ngoại được ít ngày rồi mùng 2 Tết lại lên đường đi tiếp. Nhiều khi gia đình cũng phàn nàn là đi làm cả năm rồi đến ngày Tết còn tham công tiếc việc nhưng tôi vẫn phải “trốn” đi vì lịch tour đã nhận rồi, không thể hủy được”.

Theo anh Lương Văn Quang, những hướng dẫn viên du lịch ngoại tỉnh muốn nhận tour tại Hà Nội vào dịp Tết cũng rất khó khăn vì rất ít xe khách chạy trong dịp này, muốn đi thì đều phải tự túc về phương tiện. 

Cũng là hướng dẫn viên du lịch tự do, có 15 năm kinh nghiệm phụ trách các tour miền Tây Nam bộ nhưng anh Hà Minh Thắng lại tỏ ra khá ngần ngại khi nhận lịch dẫn đoàn dịp Tết Nguyên đán. Theo anh Thắng thì mặc dù biết là tiền lương, thưởng cao hơn so với ngày thường rất nhiều nhưng tâm lý chung là anh em hướng dẫn viên đều không muốn nhận lịch vì đây là thời điểm nghỉ ngơi sau một năm làm việc, di chuyển rất vất vả. “Có những đợt cao điểm tôi đi liên tục 50 ngày. Sau đó phải ở nhà một thời gian cho lại sức rồi tôi mới tiếp tục được”, anh Thắng chia sẻ. 

Các công ty du lịch gặp khó

“Thực tế là rất nhiều hướng dẫn viên Inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) không muốn nhận lịch vào 30 hay mùng 1, 2 Tết. May chăng từ mùng 2 Tết trở ra thì dễ thở hơn”, ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Công ty Hanotours nhận định. Theo ông Hồ Xuân Phúc, năm nay do thời gian nghỉ dài nên lượng khách đi du lịch khá đông. Các tuyến du lịch tâm linh như Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)…, hay những thị trường gần như Lào, Campuchia, Thái Lan nhu cầu khách tăng cao. Bởi vậy tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên là khó tránh khỏi. Nhiều công ty lữ hành phải thuê hướng dẫn ngoài vì hướng dẫn viên của công ty không đủ người để “chạy” hết các tour.

Ông Đoàn Ngọc Tùng, Giám đốc Công ty MTV Travel cho biết: “Việc thiếu hụt hướng dẫn viên, ngày Tết cho khách nước ngoài là có thật. Nhưng các hướng dẫn viên chất lượng, có kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong nghề thì lúc nào cũng thiếu. Bản thân tôi đã có quãng thời gian 10 năm làm nghề hướng dẫn viên nên tôi hiểu. Xác định đây là ngành dịch vụ, làm hài lòng du khách nên hướng dẫn viên chuyên nghiệp sẽ không quản ngại vất vả cũng như không nề hà “hy sinh” một chút để hoàn thành công việc”. 

Để các hướng dẫn viên yên tâm làm việc trong dịp Tết, các công ty du lịch cũng có nhiều chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khá tích cực. Thông thường mức giá tour đã bao gồm phụ phí do hoạt động trong ngày lễ, tuy nhiên, công ty cũng trả lương cho các hướng dẫn viên theo đoàn cao hơn so với bình thường. Tùy theo số lượng khách và trình độ hướng dẫn viên mà có những công ty tính 100%, 200% thậm chí 300% lương cho mỗi người. Theo lãnh đạo MTV Travel thì ngoài mức lương cao hơn, công ty cũng tổ chức mừng tuổi, cho nhân viên nhân dịp đầu xuân. Đây cũng là mức thưởng xứng đáng và cũng là niềm động viên cho hướng dẫn viên trẻ nỗ lực để hoàn thành công việc.   

Nghề có thu nhập khá

Nghề hướng dẫn viên du lịch được xác định như “làm dâu trăm họ”. Rất nhiều người cho rằng làm hướng dẫn viên thường xuyên được rong chơi, được đi đây đi đó. Nhưng quả thực, đây là công việc nhọc nhằn bởi phải liên tục di chuyển, thời gian không cố định, làm việc trong mọi điều kiện địa hình như trên xe ôtô, đi bộ lên núi, xuống biển… Đặc biệt là phải luôn giữ được thái độ vui vẻ, hòa đồng, tỉnh táo và có kinh nghiệm xử lý với mọi tình huống.

Đa phần các hướng dẫn viên đều cho biết hầu như họ thường ít gắn bó với một công ty du lịch mà thường “chạy” để tìm kiếm nguồn thu nhập cao hơn. Theo khảo sát ở một số công ty du lịch, mức lương cố định cho hướng dẫn viên nội địa dao động từ 3 đến 5 triệu đồng. Hướng dẫn viên dẫn đoàn sẽ được hưởng thêm tiền công tác phí khoảng 500.000 đồng/ngày, nếu đi làm trong dịp Tết, mức này có thể được tăng gấp rưỡi, gấp 2, 3 lần tùy vào điều kiện mỗi công ty. Còn lại phụ thuộc vào tiền thưởng của khách hàng. 

Lên đường bất kỳ lúc nào

Năm nay tôi nhận một tour du lịch 6 ngày tới đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, khởi hành mùng 2 Tết. Cũng như những năm trước, nếu công ty có chỉ định dẫn đoàn hay có người nghỉ ốm không đi được, tôi cũng rất sẵn sàng đi. Thực ra với đặc thù nghề hướng dẫn viên du lịch thì dịp Tết hay bất cứ ngày nghỉ nào cũng luôn xác định tâm lý có thể lên đường bất kỳ lúc nào. Tôi sống ở Hà Nội, lại chưa có gia đình nên điều kiện thuận lợi hơn các bạn khác.

Ngược lại các bạn đã có gia đình, hoặc ở xa, một năm chỉ về quê một vài lần thì thời gian eo hẹp hơn nên ai cũng muốn được về nhà đoàn tụ với gia đình. Sau mỗi tour,  phía công ty đều thu nhận phản hồi của khách hàng, nếu đạt tỷ lệ trên 70% đánh giá tốt sẽ có thưởng cho nhân viên. Ngoài ra, nếu hướng dẫn viên dẫn cao điểm dịp Tết thì sẽ được nhân đôi tiền công tác phí, cùng nhiều chế độ khác như tiền thưởng đầu năm, tiền mừng tuổi…


Hướng dẫn viên Nguyễn Đắc Hòa,
Công ty PYS Travel