Kiếm tiền cả trong lúc ngủ - tư duy start-up đáng học hỏi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Người Việt Nam có nhiều tố chất tốt đáng khâm phục. Nhưng người Việt cũng có những tư duy truyền thống thực sự là rào cản cho sự phát triển bản thân. Chẳng hạn, tư duy phổ biến là “làm việc cần cù, chăm chỉ để kiếm ra tiền”, nhưng ít người nghĩ tới việc “bắt tiền làm việc cho mình”, hay... “kiếm tiền cả trong lúc ngủ”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2020 tặng Người sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2020 tặng Người sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh

Suy nghĩ từ một cuộc tranh luận nhỏ

Cách đây vài tuần, trong buổi dạy kỹ năng thuyết trình cho doanh nghiệp công nghệ tại Hà Nội, tôi gặp một tình huống thú vị. Học viên trả bài (là một phần thuyết trình đời sống/xã hội) đã đưa ra chi tiết: “Nếu tỷ phú Bill Gates thấy tờ 100 USD rơi dưới đất, ông ấy sẽ không cúi xuống nhặt”. Học viên này giải thích rằng, vì nhà sáng lập hãng Microsoft cứ mỗi giây sẽ kiếm được 380 USD, nên việc ông cúi xuống nhặt 100 USD dù chỉ mất “vài giây” thì cũng là... lãng phí. Mục đích của học viên này muốn nói tới việc sử dụng thời gian hợp lý.

Tuy nhiên, phần trình bày trên lập tức vấp phải sự phản biện gay gắt từ phía các học viên khác. Họ cho rằng, nếu Bill Gates cúi xuống nhặt 100 USD thì ông ấy sẽ có thêm tiền, trong khi số tiền 380 USD kiếm được mỗi giây không liên quan gì cả. Bạn học viên thuyết trình lúc đầu tỏ ra rất bối rối vì không bảo vệ được quan điểm, bởi trước đó vẫn tin một cách hồn nhiên vào câu chuyện. Tôi đã có phần can thiệp ngay sau đó bằng việc chỉ ra ý kiến phản biện là hoàn toàn đúng, và người thuyết trình đã bị hiểu sai.

Bạn hiểu câu chuyện theo “nghĩa đen”, trong khi đúng ra đó là một cách truyền tải “nghĩa bóng”. Số tiền 380 USD kiếm được mỗi giây kia là “tiền thụ động”, nghĩa là dù Bill Gates có ngủ, chơi thể thao hay... chẳng làm gì cả thì quỹ tài sản của ông vẫn tăng lên đều đặn như vậy. Câu chuyện này kể ra chỉ nhằm làm bật lên sự hiệu quả trong việc kiếm tiền thụ động của người có nhiều năm giữ ngôi vị giàu nhất thế giới.

Từ câu chuyện đó, chợt nhớ về lời chia sẻ của một chuyên gia kinh tế mà tôi từng có cơ hội trao đổi cách đây 10 năm. Khi ấy, ông trình bày về “Kim tứ đồ” - một định nghĩa do bậc thầy tài chính Robert Kiyosaki đưa ra. Góc đầu tiên của “Kim tứ đồ” là Người làm thuê - nhóm phổ biến trong xã hội. Góc thứ hai là Tự kinh doanh. “Nhiều người lầm tưởng rằng, khi tiến đến góc này tức là họ trở thành ông chủ rồi. Nhưng thử nghĩ xem, chủ một quán phở trực tiếp bán hàng thì có phải là... chủ không?

Nếu đến một ngày, anh ta bị ốm và nghỉ thì cửa hàng phải đóng cửa. Nghĩa là anh ta chỉ chủ động với công việc của mình, chứ chưa thực sự là chủ doanh nghiệp” - vị chuyên gia kinh tế chia sẻ. Góc thứ ba là Chủ doanh nghiệp - là những người xây dựng được một hệ thống vận hành để tạo ra giá trị, tài sản hàng ngày - dù họ có tạm nghỉ thì hệ thống vẫn hoạt động được. Cả 3 góc trên giống nhau ở chỗ con người đều phải lao động miệt mài và vất vả để kiếm ra tiền. Và góc thứ tư - góc được vị chuyên gia nhấn mạnh là đỉnh cao - thì ngược lại: Bắt tiền phải làm việc cho mình, Đó là khả năng đầu tư, dùng tiền để tạo ra tiền.

Trong định nghĩa của mình, Robert Kiyosaki cho rằng, sự phát triển tài chính của bản thân đi từ góc thứ nhất tới góc thứ tư. Nếu không xây dựng được hệ thống kiếm tiền thụ động - bắt tiền phải làm việc cho mình, thì con người sẽ luôn cảm thấy chật vật và gánh chịu áp lực trong nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Tôi đã nhớ mãi câu chuyện này.

Hãy bắt tiền phải “làm việc” cho mình

Theo thời gian, tôi gắn bó nhiều hơn với các câu chuyện chia sẻ quan điểm, tư duy của doanh nhân. Đó là những nguồn tri thức rất quý báu. Tại một sự kiện chia sẻ cảm hứng cho cộng đồng start-up hồi năm 2019, ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã nói rằng, muốn tiến bộ, mỗi người phải xây dựng tư duy/tinh thần khởi nghiệp cho chính bản thân mình. Điều đó có nghĩa là không cần tới một dự án to tát nào, mỗi cá nhân chịu thay đổi “vùng an toàn” của bản thân, để vươn tới tầm mức trình độ cao hơn, làm ở những môi trường mới có nhiều thử thách hơn, thì đó đã là một sự “khởi nghiệp” của chính mình rồi. Trong tư duy “start-up cá nhân” đó, việc bắt tiền phải làm việc cho mình rất quan trọng.

“Warren Buffett từng nêu ra rằng, nếu không tìm cách kiếm được tiền ngay cả lúc đang ngủ, bạn sẽ phải làm việc cho tới khi chết. Người Việt thời xưa có thói quen làm ra tiền là cho vào túi, cất kỹ, mua vài chỉ vàng giấu đâu đó. Nhưng nay đã khác, giới trẻ đã tiếp cận với tư duy đầu tư. Người có năng khiếu về chứng khoán thì dành thời gian nghiên cứu kỹ để thử thách lĩnh vực này. Người có khả năng về bất động sản thì mua đất đai, căn hộ, nhà, chờ cơ hội sinh lãi. Có người lại góp vốn mua cổ phần của một doanh nghiệp mà họ cho rằng có triển vọng. Người khác bắt “hơi thở” thị trường để đầu tư vàng... Gửi ngân hàng là cách đầu tư lười biếng nhất và cũng an toàn nhất. Đương nhiên, cách kiếm tiền trong khi ngủ theo kênh này không đáng để tính” - ông Trần Quí Thanh chia sẻ. Dr.Thanh nhấn mạnh rằng, muốn đầu tư thì các bạn trẻ phải có tiền, tức là họ phải cố gắng làm việc siêng năng và tiết kiệm, có tích lũy. Từ nguồn tích lũy đó, người trẻ phải dùng trí tuệ để đầu tư hiệu quả, “kiếm tiền ngay cả lúc đang ngủ”, hay bắt tiền phải làm việc cho mình.

Ngày 16-12-2020, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm 81 triệu lao động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị mất việc làm, trong đó, chủ yếu là thanh niên. Rõ ràng, khi nền kinh tế bị tổn thương thì thành phần chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là người trẻ - những người thiếu kinh nghiệm, dễ bị thay thế. Nếu không có ý thức khởi nghiệp bản thân, sẽ rất khó để người trẻ trụ vững qua cơn khủng hoảng.

Nói về tuổi tác, hẳn chúng ta không thể quên hình ảnh 2 “ông già gân” Donald Trump và Joe Biden trong cuộc đua quyết liệt giành ghế Tổng thống Mỹ vừa qua. Dù họ đều đã ở tuổi cao (74 và 78 tuổi), song những vị này vẫn thể hiện khát khao cháy bỏng trong việc thực hiện sứ mệnh lãnh đạo nước Mỹ tiến lên phía trước. Tại Việt Nam, ông Trần Quí Thanh là doanh nhân được nhiều người ngưỡng mộ ở tư duy đam mê kinh doanh và cống hiến.

Dù gần 70 tuổi, với một cơ ngơi đủ đầy, mọi thứ như “trong mơ”, song nhà lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn tiếp tục khởi nghiệp với ngành bất động sản, thể hiện lòng đam mê và khát vọng cháy bỏng, không bao giờ bằng lòng với những gì đã có. “Không quan trọng bạn ở tuổi nào, mà là bạn tận dụng thời gian của cuộc đời mình thế nào. Có những người đã hỏi tôi về việc nghỉ hưu. Tôi không hiểu nghĩ hưu là gì? Tại sao làm mấy chục năm tích lũy kinh nghiệm, đến khi bản thân có nhiều kinh nghiệm thì lại kêu tôi nghỉ?” - ông Trần Quí Thanh vui vẻ lý giải vì sao ông làm việc không ngừng.

Bởi thế, dù chỉ là vài dòng chia sẻ, nhưng những lời tâm huyết về tư duy “start-up cá nhân” của người đàn ông biến một phân xưởng sản xuất nước giải khát nhỏ trở thành hãng đồ uống hàng đầu Việt Nam, vươn tầm ra thế giới quả thực rất có sức truyền cảm hứng. Không tạo ra thu nhập “ngay cả khi đang ngủ”, chúng ta sẽ luôn phải vật lộn đầy áp lực trong cuộc mưu sinh, kéo dài từ lúc còn trẻ tới khi về già.

Những doanh nhân giàu có ngày càng trở nên giàu có khi họ khai thác tối đa trí tuệ để kiếm tiền, rồi bắt tiền làm việc để nó tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Trong khi những người có tiền đó vẫn không để cho đầu óc nghỉ ngơi, vẫn miệt mài lao động, vẫn “start-up cá nhân” để khẳng định sứ mệnh, thì tại sao có những người lại dễ dàng buông xuôi mọi thứ trước áp lực, trong khi đầu óc lúc nào cũng vẩn vơ câu hỏi: Làm gì để có tiền?

Muốn đầu tư thì phải có tiền, các bạn trẻ phải cố gắng làm việc siêng năng và tiết kiệm, có tích lũy. Có nhỏ làm nhỏ, từng ngày tích góp mới trở nên tỉ phú. Về lý thuyết, ai cũng biết có các kênh đầu tư để kiếm tiền ngay cả lúc đang ngủ, nhưng đầu tư như thế nào cho hiệu quả là câu chuyện của trí tuệ. Cũng có người đầu tư nhưng rồi mất ngủ dài dài luôn đó.

Ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Tin cùng chuyên mục