“Kiểm soát tốt Covid, du lịch VN chỉ mất 6 tháng đến 1 năm để phục hồi”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Sau khi Covid-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn cầu, dự báo vào cuối năm 2021; thì chỉ sau đó 6 tháng đến 1 năm, du lịch Việt Nam với những giải pháp rất linh hoạt có thể phục hồi bằng năm 2019”, TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng TCDL chia sẻ.

Kích cầu du lịch nội địa hiệu quả -thành công lớn trong liên kết công – tư

- PV: Năm 2020 có thể được xem là dấu ấn không muốn nhớ đến của du lịch toàn cầu bởi những hệ lụy tồi tệ mà đại dịch Covid-19 gây ra. Với du lịch Việt Nam, xin ông tổng kết ngắn gọn về một năm đầy thách thức, khó khăn này?

TS. Hà Văn Siêu: Đại dịch Covid-19 ập đến khiến 2020 trở thành năm khủng hoảng lịch sử chưa từng có đối với ngành du lịch thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Hoạt động đi lại bị hạn chế trên phạm vi toàn cầu, các nước chủ yếu tập trung vào việc hạn chế tối đa thiệt hại chứ không trông chờ, vớt vát bằng việc đón khách quốc tế.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) ước tính, năm 2020, lượng khách quốc tế sẽ giảm từ 70% đến 75%, đồng nghĩa với việc du lịch toàn cầu sẽ trở lại mốc 30 năm trước. Lượng du khách giảm 1 tỉ lượt, doanh thu du lịch quốc tế giảm 1.100 tỉ USD.

Với Việt Nam, năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu, giảm hơn 80%, khách nội địa đạt 56 triệu khách, giảm 34,1%, tổng thu đạt 312,000 tỷ đồng, giảm trên 58,7% (tương đương 19 tỉ đồng) so với năm 2019.

- Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, du lịch Việt Nam trong năm qua đã có những điểm sáng nào đáng ghi nhớ, thưa ông?

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhà nước đã có những chính sách, biện pháp kịp thời để phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, thị trường quốc tế đóng băng. Mặt khác, các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổ chức, triển khai thực hiện hàng loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa ngay khi điều kiện cho phép. Đây là thành công lớn trong phối hợp liên kết công – tư trong năm qua và cần được thắt chặt, tăng cường trong năm 2021.

Có thể nói, so với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh ấn tượng về một điểm đến, một đất nước an toàn phòng chống dịch. Bài hát “Ghen Covy” được phát sóng ở nhiều quốc gia. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được World Travel Awards vinh danh là: “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á", “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á"… cùng hàng loạt giải thưởng uy tín khác dành cho các điểm đến, công trình và sản phẩm du lịch của Việt Nam. Đó là một điểm sáng của du lịch Việt Nam trong năm 2020.

Một điểm cộng nữa là chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm để duy trì ổn định và tiếp tục phục hồi du lịch nội địa trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới.

-Như ông đã chia sẻ, một trong những thành công của du lịch Việt Nam trong năm 2020 là duy trì hình ảnh ấn tượng của một điểm đến, trong đó có nhiều giải thưởng quốc tế dành cho du lịch Việt Nam, điển hình như WTA thế giới. Điều này này có ý nghĩa như thế nào với du lịch Việt Nam, thưa ông?

Nếu như trước đây du lịch Việt Nam chủ yếu được thế giới biết đến nhờ lợi thế giá rẻ, thì nay, những giải thưởng uy tín quốc tế, đặc biệt là giải WTA thế giới vốn được xem như giải “Oscar của du lịch thế giới” đã góp phần nâng tầm vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành du lịch, sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp du lịch lớn như Sun Group, Vingroup, Vietravel…, du lịch Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục. Hạ tầng du lịch từng là điểm yếu của du lịch Việt Nam, giờ đã trở thành thế mạnh, giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách cao cấp trên thế giới.

Hàng loạt các công trình du lịch đẳng cấp của Việt Nam ra đời những năm gần đây như: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc) hay Cầu Vàng, khu du lịch Bà Nà Hills, khu du lịch Fansipan Legend và mới nhất là Sân bay quốc tế Vân Đồn… đã lần lượt được xướng danh tại các giải thưởng uy tín hàng đầu thế giới. Số lượng và chất lượng giải thưởng cũng được nâng tầm qua từng năm.

Đó thực sự là điểm sáng và cũng là niềm tự hào của du lịch Việt Nam trong một năm ảm đạm như năm 2020. Những giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận du lịch Việt Nam đã thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới, mà còn là động lực lớn để ngành du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, tăng trưởng xa hơn trong tương lai.

Du lịch Việt Nam sẽ sớm hồi sinh

- Vậy làm sao để du lịch Việt Nam giữ vững được vị thế, đồng thời tiếp tục phát huy thành tích trong thời gian tới, khi mà đất nước vẫn đang phải đối mặt với vô vàn thách thức trước mắt, thưa ông?

Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến khá phức tạp, nên chắc chắn 2021 vẫn là một năm khó khăn với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, với công tác kiểm soát dịch tốt của Chính phủ Việt Nam, danh tiếng từ các giải thưởng quốc tế uy tín và đặc biệt là sự thích ứng, điều chỉnh linh hoạt của ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng, tôi tin rằng du lịch Việt Nam sẽ sớm hồi sinh và bứt phá ngay sau khi dịch bệnh được khống chế trên thế giới.

Tuy nhiên, để du lịch Việt Nam giữ vững được vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, bảo toàn và phát huy được các danh hiệu, giải thưởng danh giá đã được trao tặng, tôi cho rằng cần phải có sự nỗ lực của nhiều bên.

Ở phía doanh nghiệp, chúng ta cần cung cấp được những dịch vụ chất lượng và trải nghiệm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách. Ở phía chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng cần tạo điều kiện để những nhà đầu tư có tâm, có tầm, có chiến lược dài hơi, phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững... đầu tư những dự án “ra tấm ra món” ở những nơi tiềm năng lớn, dư địa phát triển nhiều. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hướng tới các danh hiệu cao quý hơn và vị thế cao hơn trên bản đồ du lịch quốc tế.

- Du lịch trong năm 2021 sẽ có bức tranh như thế nào, thưa ông?

Năm 2021, trước mắt chúng ta vẫn chưa thể đón khách quốc tế nên thị trường nội địa vẫn là cứu cánh. Những yêu cầu về an toàn, chăm sóc sức khỏe sẽ được đề cao. Du khách không còn thích những nơi tập trung quá đông người mà tìm đến các điểm đến mới, riêng biệt theo nhóm nhỏ. Do đó, du lịch có xu hướng cá nhân hóa, du lịch đại trà theo số đông giảm mạnh. Kéo theo đó, những nơi du lịch còn khá lạc hậu, nguyên sơ như Lai Châu, Yên Bái… có cơ hội bứt phá. Đây cũng là điều các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.

Xu hướng thứ hai là du khách sẽ quan tâm đến những dịch vụ thiết thực gồm thực, trú, hành, lạc, y, trong đó đặc biệt quan tâm đến những cảm nhận về giác quan, sức khỏe, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, chứ không quan tâm nhiều đến các hoạt động mang tính phong trào.

Xu hướng phân tán các dòng khách đòi hỏi các doanh nghiệp kết nối tinh tế, thông minh, linh hoạt giữa các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi cung ứng.

Thứ ba, nhu cầu kết nối luôn gia tăng nhưng phải đảm bảo giữ khoảng cách. Do đó, phải nhờ công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động online, trực tuyến.

Mới đây, UNWTO dự báo 3 đến 4 năm nữa du lịch thế giới mới có thể phục hồi bằng năm 2019. Tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng, sau khi Covid-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn cầu, dự báo vào cuối năm 2021; thì chỉ sau đó 6 tháng đến 1 năm, du lịch Việt Nam với những giải pháp rất linh hoạt có thể phục hồi bằng năm 2019.

- Xin cảm ơn ông!