Kiểm soát thời tiết bằng công nghệ

ANTĐ - Hiện nay đã có một số công nghệ điều khiển thời tiết như việc can thiệp vào các cơn lốc xoáy và mưa. Trong tương lai không xa, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học dự báo, con người sẽ tạo ra được những công nghệ mới để có thể kiểm soát tất cả các loại thời tiết khi chúng ta cần. 

Sử dụng tàu bắn nước biển lên bầu trời sẽ giúp làm mát Trái đất 

Hình thành mây chống nóng, chặn bão

Nhà vật lý khí quyển Rob Wood đến từ Đại học Washington (Mỹ) đang lên tiếng kêu gọi cộng đồng khoa học khám phá khả năng sản sinh mây nhân tạo chống biến đổi khí hậu. Ý tưởng mà ông Wood theo đuổi dựa vào lý thuyết “marine cloud brightening” (tạm dịch: làm trắng mây bằng nước biển), bằng cách sử dụng tàu bắn nước biển lên trên bầu trời, tạo ra mây phản xạ ánh sáng mặt trời và do đó giúp chống hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo đó, việc thêm các hạt, trong trường hợp này là muối biển, lên bầu trời phía trên đại dương sẽ giúp hình thành những đám mây lớn và có tuổi thọ cao. Như ta đã biết, các đám mây xuất hiện khi nước ngưng tụ quanh các hạt. Vì lượng nước trong không khí rất hạn chế nên việc thêm nhiều hạt sẽ tạo ra nhiều giọt nước hơn với kích thước nhỏ hơn. Điều này sẽ mang đến hiệu ứng làm mát trên Trái đất.

Cùng quan điểm, các nhà khoa học Anh cho rằng, kỹ thuật phun nước muối vào những đám mây ở phía trên đại dương sẽ giảm sức mạnh của bão và thậm chí có thể ngăn chặn sự hình thành của chúng. Theo họ, nhiệt độ trên bề mặt đại dương càng cao thì các cơn bão càng mạnh. Việc phun nước muối sẽ khiến những đám mây ở phía trên đại dương trở nên sáng hơn. Độ sáng của mây càng tăng thì chúng càng phản chiếu nhiều ánh sáng mặt trời trở lại vũ trụ, nhờ đó nhiệt độ bề mặt đại dương sẽ giảm. Nhiệt độ bề mặt đại dương càng giảm thì sức mạnh của các cơn bão càng thấp.

Tạo mưa bằng laser

Công nghệ làm mưa nhân tạo phổ biến hiện nay là dùng các loại mầm ngưng kết khác nhau như Iôđua bạc (AgI), Iôđua chì (PbI2), than, muối... do máy bay rắc vào các đám mây hoặc dùng tên lửa đặc biệt bắn lên từ mặt đất. Các hạt nhân ngưng kết này sẽ làm cho các hạt nước nhỏ li ti trong các đám mây trở thành những hạt nước to hơn, nặng hơn, đủ sức rơi xuống đất. 

Mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Geneva (Thụy Sỹ) đã tiết lộ công nghệ tạo mưa nhân tạo bằng tia laser thay cho hóa chất. Nhóm nghiên cứu đã thí nghiệm sử dụng tia laser để tạo nhiều mức nhiệt độ và độ ẩm khác nhau trong bầu khí quyển trên bầu trời sông Rhone ở Geneva. Kết quả cho thấy, các tia laser có thể giúp tạo ra những giọt nước nhỏ li ti (có đường kính vài micron) ở độ ẩm 70%, trong khi điều kiện để gây ra mưa tự nhiên cần có độ ẩm 100%. Mặc dù vậy, những hạt nước nhỏ này chưa đủ để tạo thành một trận mưa (phải gấp từ 10 tới 100 lần như vậy) nhưng kỹ thuật này hoàn toàn có tính khả thi nếu chúng ta khắc phục được những trở ngại nói trên. 

Phá mưa đá

Một thiết bị giống khẩu pháo thần công được các nhà khoa học Mỹ thiết kế sẽ bắn nhiều đợt sóng mạnh vào những đám mây đen nhằm ngăn chặn sự hình thành các hạt mưa đá. Đợt sóng này được tạo ra từ “hỗn hợp khí gas dễ cháy và không khí” trong bộ phận đốt cháy của khẩu pháo. 

Còn với nguyên vật liệu trong nước, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ vũ trụ dân sự (ICTE) Argentina đã chế tạo thành công tên lửa chống mưa đá, bảo vệ mùa nho. Đầu tên lửa mang hóa chất đặc biệt trên được nối mạng với hệ thống ra-đa và phương tiện kỹ thuật số có khả năng phát hiện sự hình thành mây gây mưa đá trên không. Một khi đài chỉ huy tiếp nhận được tín hiệu có nguy cơ mưa đá từ ra-đa, hệ thống tên lửa tự kích hoạt và được nổ tung trên không phá vỡ chu trình tụ mây gây mưa đá. 

Ngăn lốc xoáy

Lốc xoáy hay còn gọi là vòi rồng là một dạng bão cực kỳ nguy hiểm với khả năng tàn phá khủng khiếp những nơi mà nó quét qua. Tuy nhiên, đám mây hình phễu khổng lồ ấy cuối cùng cũng gặp “đối thủ” của nó, đó là chiếc máy bay không người lái chứa nitơ lỏng được các nhà khoa học Mỹ sáng chế. 

Ý tưởng dựa vào thực tế, phần lớn lốc xoáy được hình thành từ một dạng mây dông đặc biệt là mây dông tích điện. Nguồn gốc của chúng là vùng khí hậu có luồng khí nóng đi lên và luồng khí lạnh đi xuống.  Nghiên cứu này đề xuất việc phá vỡ lốc xoáy bằng cách đưa chiếc máy bay vào khu vực có độ cao ở mức thấp, giải phóng một chất cực lạnh chống lại trạng thái cân bằng của cơn lốc xoáy.