Kiểm soát hoạt động bảo trợ quốc tế, ngăn ngừa biến tướng trong kinh doanh đa cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một trong những giải pháp để ngăn ngừa biến tướng trong hoạt động kinh doanh đa cấp đang được Bộ Công Thương đề xuất là kiểm soát hoạt động bảo trợ quốc tế. Theo đó, người tham gia đa cấp ở Việt Nam không được nhận bảo trợ từ người tham gia ở nước ngoài.
Hoạt động kinh doanh đa cấp đang diễn biến phức tạp trên mạng Internet

Hoạt động kinh doanh đa cấp đang diễn biến phức tạp trên mạng Internet

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP về kinh doanh đa cấp của Bộ Công Thương đang lấy ý kiến không cấm hoạt động bảo trợ quốc tế từ Việt Nam nhưng hạn chế hoạt động bảo trợ quốc tế từ nước ngoài, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để minh bạch tối đa hoạt động này của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể cho phép người tham gia bảo trợ người ở nước khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt không được sử dụng doanh số của người tham gia ở Việt Nam phát sinh từ hệ thống tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích, cấp bậc và làm căn cứ chi trả hoa hồng cho người tham gia ở Việt Nam.

Doanh nghiệp tại Việt Nam không được chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác cho người tham gia phát sinh từ hoạt động của hệ thống tuyến dưới bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (không phát sinh từ hoạt động mua bán tại Việt Nam). Đồng thời, có nghĩa vụ cung cấp danh sách những nhà phân phối tham gia hoạt động bảo trợ quốc tế cho cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam để các cơ quan này có cơ sở phối hợp giám sát và quản lý các cá nhân trong việc tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.

Cũng theo dự thảo này, “người tham gia ở Việt Nam không được nhận bảo trợ từ người tham gia ở nước ngoài”. Quy định này đảm bảo vừa kiểm soát chặt chẽ hoạt động bảo trợ quốc tế, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động xuyên quốc gia của doanh nghiệp bán hàng đa cấp,

Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cần có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp ba năm liên tiếp ở một quốc gia khác theo dự thảo.

Trong hoạt động bán hàng đa cấp, một số người tham gia bán hàng đa cấp được bảo trợ bởi người tham gia hoạt động này từ nước khác. Với vai trò là tuyến trên, bảo trợ và đào tạo, hỗ trợ những người tham gia tuyến dưới ở Việt Nam, người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài sẽ được hưởng các loại hoa hồng, tiền thưởng phát sinh trên cơ sở doanh thu của hệ thống tuyến dưới ở Việt Nam.

Thông thường, khoản hoa hồng này là khá lớn vì những người Việt Nam được người nước ngoài bảo trợ là những người đầu tiên phát triển hệ thống bán hàng đa cấp ở Việt Nam, có mạng lưới người tham gia tuyến dưới đông đảo, doanh thu lớn và mang lại hoa hồng lớn.

“Đây là lý do khiến những người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài luôn mong muốn vào Việt Nam để làm tiền thị trường, xây dựng hệ thống ban đầu khi doanh nghiệp chưa đăng ký hoạt động chính thức ở Việt Nam”- một đại diện của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết.

Khi doanh nghiệp này đầu tư vào thị trường Việt Nam, thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động, những người nước ngoài này đã có sẵn hệ thống, chỉ cần hợp thức hóa là nghiễm nhiên có một hệ thống mạng lưới tuyến dưới ở Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, mạng lưới này đa số là bất hợp pháp vì đã hoạt động nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam.

Do đó, việc hạn chế hoạt động bảo trợ quốc tế sẽ có tác động trực tiếp vào những người có ý định “làm tiền” thị trường, hoạt động không phép ở Việt Nam, vì khi đó, những người tiên phong xây dựng hệ thống sẽ không được trở thành tuyến trên và hưởng thành quả từ hoạt động của hệ thống người tham gia ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong dự thảo, Bộ Công Thương dự kiến bổ sung quy định không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho những doanh nghiệp đã có vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo các chuyên gia, quy định này, nếu được bổ sung, sẽ là một công cụ hữu hiệu để răn đe, ngăn ngừa các hoạt động bán hàng đa cấp khi không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ không còn cơ hội được đăng ký hoạt động một cách chính thống, hợp pháp.