Kiểm soát chặt việc san chiết xăng dầu

ANTĐ - Vụ cháy cây xăng gần chợ đầu mối phía Nam, Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội vào chiều 5-7 đã gây thiệt hại ít nhất trên 20 nghìn lít xăng cùng nhiều tài sản có giá trị. Đây không phải lần đầu xảy ra sự cố cháy, nổ cây xăng khi đang san chiết, trước đó vụ hỏa hoạn lớn tương tự cũng đã xảy ra tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Không ai dám chắc sẽ không còn vụ việc tương tự xảy ra, nếu như quy định về PCCC không được tuân thủ và hơn nữa đó là trách nhiệm của cơ quản quản lý khi không có sự giám sát chặt chẽ.

Kiểm soát chặt việc san chiết xăng dầu ảnh 1Hiện trường cây xăng cạnh chợ đầu mối Đền Lừ chiều 5-7-2016

Lơ là tích tắc, cháy nổ tức thì

Hiện cơ quan công an vẫn đang khẩn trương khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy cây xăng cạnh chợ đầu mối Đền Lừ xảy ra chiều 5-7. Mặc dù thiệt hại chính xác chưa có con số cụ thể, nhưng theo tài liệu của cán bộ quản lý địa bàn, các nhân viên khai nhận khi đó trên xe bồn có chứa khoảng 20m3 xăng, cộng với 2 bể chứa chìm dưới lòng đất có dung tích mỗi bể 25m3 cùng nhiều tài sản có giá trị khác bị thiêu rụi. 

Được biết, trạm xăng này mới được đưa vào hoạt động từ tháng 4-2015. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, lực lượng Cảnh sát PC&CC số 8 - Hoàng Mai, Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã kiểm tra an toàn PCCC 4 lần. Mỗi lần kiểm tra, cơ sở đều được khuyến cáo đảm bảo nghiêm ngặt trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Một cán bộ quản lý địa bàn thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 8 - Hoàng Mai cho hay: “Việc kinh doanh xăng dầu của trạm này đã được thẩm duyệt hồ sơ và thực tiễn nghiêm ngặt trước khi đi vào hoạt động. Trong thời gian kinh doanh luôn được nhắc nhở, tuyên truyền về an toàn PCCC. Mặc dù vậy, trạm xăng này đã không tuân thủ nguyên tắc khi nhập hàng hóa”.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 8 - quận Hoàng Mai: “Đáng lẽ nhân viên cây xăng phải kiểm tra các thông số kỹ thuật, độ bốc hơi xăng hàng ngày, cũng như khi nhập hàng hóa phải giám sát chặt chẽ từng khâu từ khoảng cách đặt vòi dẫn xăng, xe đỗ đúng cự ly và rào vây chắn khép kín khi nhập xăng từ xe bồn vào bể chứa. Tuy nhiên, hiện trường vụ cháy cho thấy, chiếc xe cũng như cách thức cắm vòi san chiết xăng và thời gian nhập hàng đã vi phạm quy định”.  

Tại hiện trường cây xăng cạnh chợ đầu mối Đền Lừ, có thể nhận thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Khu vực quanh cây xăng không nằm sát khu dân cư, song với mật độ đông đúc của khu chợ với hàng nghìn lượt người và phương tiện qua lại, sinh hoạt thì việc cháy, nổ rất dễ xảy ra. Từ thực tế quan sát hiện trường, có giả định đặt ra, nếu như nhân viên thực hiện việc tiếp nhiên liệu ngày hôm đó đúng quy định thì cũng chưa lấy gì làm an toàn. Bởi rào ngăn cách giữa trụ cây xăng với chợ chỉ là bức tường thấp, trong khi đó hàng trăm xe ôtô tấp nập xuống hàng hóa phía sau cây xăng và nếu ai đó chỉ cần sơ ý ném mẩu thuốc lá cháy dở sang đúng lúc đang tiếp nhiên liệu thì hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra. 

Kiểm soát chặt việc san chiết xăng dầu ảnh 2Gần 20 xe chữa cháy của Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cùng hơn 100 CBCS được điều động đến hiện trường, phối hợp với các lực lượng CATP Hà Nội, quân đội... tổ chức cứu chữa tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trưa 3-6-2013

Quy trình vi phạm tương tự

Trở lại vụ cháy tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào năm 2013, hỏa hoạn cũng xảy ra khi xe bồn đang tiếp xăng vào bể chứa dưới đất. Khi đó, mặc dù các hoạt động gần khu vực đang tiếp nhiên liệu đã tạm dừng, nhưng ngay cạnh cây xăng là quán ăn vẫn thản nhiên dùng bếp than tổ ong đun nấu. Và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra, toàn bộ cây xăng chìm trong biển lửa.

Theo cán bộ Phòng hướng dẫn, kiểm tra thuộc Cảnh sát PC&CC Hà Nội: “Việc xảy cháy tại 2 cây xăng không phải là sự trùng lặp ngẫu nhiên mà đều do vi phạm quy trình. Thời tiết càng nắng nóng, khí xăng bốc hơi càng mạnh, khi đó chỉ cần tia lửa một tia lửa nhỏ là bốc cháy ngay lập tức. Do đó khi san chiết xăng phải cắm vòi sâu vào lòng bể, hạn chế tối đa việc bốc hơi”.

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, hiện toàn thành phố có 472 cây xăng dầu hoạt động, kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là những trụ xăng nằm sát khu dân cư, cũng như trong những tuyến phố đông đúc người dân sinh sống. Đây là thực trạng báo động, bởi theo quy định trụ xăng dầu không được xen kẽ với khu dân cư. Trước thực trạng đó, lực lượng Cảnh sát PC&CC đã chủ động có những biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc xảy ra cháy, nổ. Thế nhưng, để khẳng định tuyệt đối an toàn thì đây là bài toán khó không chỉ riêng với lực lượng Cảnh sát PC&CC mà còn đối với các chủ nhân kinh doanh xăng dầu. 

Thiếu tá Vũ Văn Quân, Đội trưởng Đội hướng dẫn, kiểm tra - Phòng Cảnh sát PC&CC số 8 Hoàng Mai cho hay: “ Đối với đơn vị kinh doanh xăng dầu, bản thân doanh nghiệp rất muốn an toàn, bởi để xảy ra sự cố không chỉ đơn thuần là thiệt hại về tài sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng người dân. Song việc thiếu giám sát, kiểm tra thường xuyên các nhân viên bán hàng sẽ khiến họ dễ lơ là và gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Hiện tại có nhiều cây xăng tư nhân thuê nhân viên bán hàng đơn thuần, do đó các nhiệm vụ về an toàn PCCC đều không nắm được. Thậm chí có những cây xăng nhân viên còn tổ chức đun nấu ngay tại cửa hàng. Đó còn chưa kể đến việc ý thức của người dân chưa thực sự tuân thủ quy định an toàn PCCC khi ra vào cây xăng. Ngoài việc nghiêm cấm hút thuốc thì hành vi nghe điện thoại khi mua xăng dầu và gần khu vực có trụ bơm xăng cũng là một trong những nguy cơ cao gây cháy nổ.

Petrolimex Hà Nội siết chặt biện pháp an toàn tại các cây xăng

Đó là khẳng định của ông Trần Đắc Xuân, Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực I (Petrolimex Hà Nội) với phóng viên ANTĐ vào chiều 6-7. Mặc dù vụ cháy tại cây xăng gần chợ Đền Lừ do một doanh nghiệp khác quản lý nhưng qua vụ việc trên, lãnh đạo Công ty đã yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex Hà Nội kiểm tra, siết lại các biện pháp an toàn về phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, các nhân viên cây xăng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đảm bảo an toàn khi phục vụ khách, kiểm tra các thiết bị trước khi tiếp nhận xăng từ xe bồn. Đối với khách đến mua xăng phải chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ, không hút thuốc lá, không sử dụng điện thoại di động…