Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ: Quy định chưa đi vào thực tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc phân phối nông sản, thực phẩm đến tay người tiêu dùng phần lớn vẫn qua kênh chợ dân sinh, trong khi việc giám sát ATTP tại các chợ còn chưa thực sự quy củ và chặt chẽ.

Lượng lớn nông sản chợ đầu mối xuất xứ từ... Trung Quốc

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, năng lực sản xuất của ngành mới chỉ đáp ứng khoảng 60% tổng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến cho gần 11 triệu người dân Thủ đô.

Số liệu thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm, các chợ trên địa bàn TP tiêu thụ khoảng 623.000 tấn gạo, 98.000 tấn thịt lợn, 30.000 tấn thịt gà, 630 triệu quả trứng (gà, vịt), 38.000 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến, 630.000 tấn rau, củ, quả các loại…

5 chợ đầu mối và có tính chất chợ đầu mối là những địa điểm tiêu thụ khối lượng thực phẩm lớn nhất. Đơn cử như tại chợ đầu mối phía Nam, trung bình mỗi ngày có từ 315 - 540 tấn hàng hóa luân chuyển. Con số này tại chợ đầu mối Minh Khai vào khoảng 180 - 200 tấn/ngày…

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có tổng số 455 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 57 chợ hạng 2, 352 chợ hạng 3, 6 chợ đang hoàn thiện hồ sơ phân hạng và 25 chợ không phân hạng do thuộc diện di dời, giải tỏa, đất quy hoạch…

Toàn TP có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam, cùng 3 chợ có tính chất đầu mối gồm: chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ.

Phần lớn nông sản, thực phẩm hiện nay đến tay người tiêu dùng qua các chợ

Phần lớn nông sản, thực phẩm hiện nay đến tay người tiêu dùng qua các chợ

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn Hà Nội rất đa dạng về chủng loại. Phần lớn được nhập từ các tỉnh, TP trên cả nước hoặc có nguồn gốc từ các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất - kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Hà Nội.

Đáng chú ý, một lượng lớn nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối và có tính chất đầu mối được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Trái cây và thủy sản là những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất, hiện được tiêu thụ chủ yếu tại chợ Long Biên và chợ cá Yên Sở.

Mục tiêu 100% chợ được kiểm soát vào 2025

Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ, nhất là chợ đầu mối và có tính chất đầu mối là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi thực tế hiện nay, việc tiêu thụ hàng hóa tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân.

UBND TP Hà Nội cũng đã phân công, phân cấp an toàn thực phẩm tại các chợ cho từng sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện các quy định trong sản xuất, kinh doanh an toàn tại các chợ, nhất là các chợ đầu mối và có tính chất đầu mối.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được UBND TP chỉ đạo thực hiện nghiêm. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tiến hành xử phạt đối với hơn 31.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm cung cấp vào các chợ, với tổng số tiền gần 135 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 12 vụ việc với 14 bị can đã được khởi tố do sản xuất - kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

Mặc dù vậy, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến chất lượng thực phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, hàng hóa cung ứng từ các tỉnh, TP khó kiểm soát và vẫn còn tình trạng buôn bán thực phẩm nhập lậu vào tiêu thụ trên địa bàn TP…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, mới đây, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ giai đoạn 2022 - 2025”. Đề án được kỳ vọng đem đến cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm thực phẩm cung ứng từ các chợ an toàn, chất lượng nhất cho sức khỏe.

Cụ thể như, TP đặt mục tiêu 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành Quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 30% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án.

Đồng thời, tối thiểu 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại theo quy định tại đề án.

Dù vậy, nhiều người cho rằng, nếu không sát sao và rốt ráo triển khai thực hiện thì mục tiêu đưa ra khó có thể đạt được. Bởi hiện nay, vấn đề kiểm soát ATTP tại các chợ dân sinh chưa được triển khai đầy đủ và nghiêm túc, thậm chí vẫn là hình thức.