“Kiểm sát ơi, sao lại thế!?”

ANTĐ - Phiên tòa mới vào phần thủ tục, vậy nhưng đã xảy ra tranh cãi “nảy lửa”. Xét thấy lời khai của bị cáo là có căn cứ, nên tòa đã quyết định trả hồ sơ để thực hành theo đúng thủ tục tố tụng.

Nguyễn Đình Bang (bên phải) cùng bị cáo đồng phạm tại tòa

Đó là chuyện xảy ra tại phiên xét xử Nguyễn Đình Bang (SN 1951, trú ở phố Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cựu Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh và Nguyễn Huy Khang (SN 1959, trú ở khu Đầm, thị trấn Cao Phượng, Tân Yên, Bắc Giang) cùng bị truy tố theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mới đây. Các bị cáo bị buộc tội đã chiếm đoạt của ông Thái Khắc Toàn (trú ở phường Trung Tự, Đống Đa) - Giám đốc Công ty TNHH Huy Phát 22 tỷ đồng và 17.000USD.

Tài liệu truy tố cho thấy, Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh) vốn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Trung Thực và bà Nguyễn Thọ Tơ đều trú ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Cuối năm 2001, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 6.300m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh để xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành. Do không có vốn nên sau đó ông Thực và bà Tơ đã chuyển nhượng cho một đối tác 50% diện tích đất được cấp. Tiếp đó, đại diện Công ty Trường Sinh bán toàn bộ doanh nghiệp và 50% diện tích đất còn lại tại dự án trên cho ông Nguyễn Đức Tuấn, trú ở huyện Từ Liêm. Chia sẻ lợi ích, ông Tuấn rủ Nguyễn Đình Bang cùng tham gia góp vốn với tỉ lệ 50 - 50 và kể từ đầu năm 2008, Bang chính thức trở thành giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Sinh. Có được “tước vị” này, Bang bắt tay với Nguyễn Huy Khang để thực hiện vi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá “ngoạn mục”.

Theo đó, ngày 22-10-2009, Bang thay mặt hội đồng thành viên Công ty Trường Sinh ký quyết định về việc vay vốn để đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh (gọi tắt là dự án An Khánh). Thời điểm đó, mặc dù không hề có tiền để mua cổ phần của Công ty Trường Sinh tại dự án An Khánh, song Bang vẫn xác nhận cho Khang sở hữu tới 80% giá trị dự án này. Tiếp theo, Bang ký hàng loạt giấy tờ, hợp đồng khống, hợp thức hóa để Khang trở thành giám đốc tiếp theo của Công ty Trường Sinh và giao cả con dấu cho “tay chân” của ông ta. Khi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, Khang lập tức kêu gọi các đối tác góp vốn vào dự án An Khánh. Thế nên sau khi được hứa hẹn, ông Thái Khắc Toàn đã ký hợp đồng góp vốn với Nguyễn Huy Khang mang tư cách đại diện Công ty Trường Sinh. Theo yêu cầu của Khang, ngày 20-4-2010, ông Toàn đã chuyển 19 tỷ đồng vào tài khoản của Bang tại ngân hàng và đưa trực tiếp 3 tỷ, 17.000USD cho đối tượng. Tuy nhiên, chờ mãi mà chẳng thấy công ty có lợi ích gì trong dự án An Khánh, ông Toàn buộc phải đòi lại tiền của mình nhưng không được. Cực chẳng đã, đại diện Công ty TNHH Huy Phát đành phải làm đơn tố cáo ra cơ quan công an.

Trong vụ án này, CQĐT xác định tại thời điểm Khang kêu gọi góp vốn, dự án An Khánh chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Bang giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo và hưởng lợi bất chính phần lớn số tiền chiếm đoạt của bị hại, còn Khang giữ vai trò đồng phạm thực hiện tội phạm. Việc Khang lấy danh nghĩa đại diện Công ty Trường Sinh để kêu gọi vốn đầu tư và tiến hành ký kết các hợp đồng với đối tác còn trái hoàn toàn với Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty… Với hành vi gian dối và chiếm đoạt số tiền rất lớn của bị hại nên cả Nguyễn Đình Bang và Nguyễn Huy Khang cùng bị VKSND TP Hà Nội lập cáo trạng truy tố ra trước tòa án cùng cấp theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS.

Tại phiên tòa ngày 4-1, ngay khi bước vào phần thủ tục, Nguyễn Đình Bang đã nằng nặc đề nghị được thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố. Mặc dù không nêu rõ lý do, song bị cáo cứ úp mở về việc vị công tố đã thể hiện sự thiếu khách quan và vô tư ngay trong giai đoạn điều tra. Cùng với đó, bị cáo còn khẳng định đến thời điểm phiên tòa được mở ra, ông ta vẫn chưa biết nội dung bản cáo trạng như thế nào. Cụ thể Bang cho rằng khi vị kiểm sát viên đến trại tạm giam tống đạt bản cáo trạng, ông ta nói rõ là mắt kém không thể đọc được những gì viết trong đó nên đề nghị đại diện VKS để lại tài liệu này đến chiều để bị cáo mượn kính xem, sau đó sẽ ký nhận. Vậy nhưng kiểm sát viên đã không đồng ý mà lại thản nhiên để lại trại tạm giam với lý do bị cáo không chịu nhận cáo trạng. Trả lời tòa, Bang quả quyết tuy ông ta không thể tự đọc được nội dung bản cáo trạng, nhưng cũng không hề được vị kiểm sát viên đọc cho nghe lúc tống đạt.

Trước “tố cáo” của bị cáo, HĐXX quay sang tham vấn các luật sư về thủ tục phiên tòa. Tức thì một trong các luật sư bào chữa cho Nguyễn Đình Bang phản bác luôn khi cho rằng bản cáo trạng đem ra truy tố các bị cáo tại phiên tòa là không hợp pháp. Lý do bởi nó vẫn là bản cáo trạng cũ, từ phiên tòa bị trả hồ sơ điều tra bổ sung lần trước. Theo lý giải của người tham gia tố tụng, cho dù nội dung bản cáo trạng lần này không có thay đổi gì so với tài liệu truy tố ở phiên tòa ngày 18-7-2012 nhưng về thể thức văn bản và theo tố tụng hình sự thì vẫn phải thay đổi về mặt hình thức. Nghĩa là nó phải được đánh số mới, vào sổ theo dõi, bổ sung vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng và logic về mặt thời gian. Rơi vào thế bí, kiểm sát viên lập tức “lên giọng”: “Vấn đề tố tụng rất phức tạp! Luật sư không có quyền bảo cáo trạng hợp pháp hay không hợp pháp”. Chưa hết, vị kiểm sát viên này còn cảnh báo: “Luật sư nên biết vị trí của mình…”!

Sau ít phút hội ý, xét thấy lời khai về việc chưa nắm được nội dung bản cáo trạng của Nguyễn Đình Bang là có căn cứ nên TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn tòa, trả hồ sơ để cơ quan công tố tiến hành theo đúng thủ tục tố tụng. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào các ngày (27, 28 và 29-1) tới đây. Với diễn biến và phát ngôn “sốc” của vị giữ quyền công tố ở phiên tòa này, không ít người có mặt tại phiên xử không khỏi thắc mắc: “Kiểm sát ơi, sao lại thế”!?