Kiểm ngư sát cánh cùng ngư dân

ANTĐ - Sau một thời gian chuẩn bị, Nghị định về lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Trong tháng này, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT sẽ ra đời. Lực lượng kiểm ngư sẽ sát cánh cùng ngư dân bám biển. 

Tàu cá Lý Sơn trở về đảo sau chuyến đánh bắt ở quần đảo Trường Sa

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Theo Nghị định 102/2012/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Ông Lưu Văn Huy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra, (Tổng cục Thủy sản) cho biết, lực lượng kiểm ngư là lực lượng dân sự, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Cụ thể, kiểm ngư sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Vùng khai thác, tuyến khai thác, nghề khai thác, mùa vụ khai thác, kích cỡ mắt lưới được phép khai thác; giấy phép hoạt động khai thác; kiểm soát việc dùng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác huỷ diệt nguồn lợi sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, kiểm ngư cũng xây dựng khả năng hỗ trợ cho ngư dân khai thác và bám biển.

Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhiều tàu cá nước ngoài thường xuyên vi phạm các vùng biển Việt Nam, gây bức xúc cho ngư dân. Do vậy, sự ra đời của lực lượng kiểm ngư là hết sức cấp bách, cùng với các lực lượng khác góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. “Sau khi có Nghị định về kiểm ngư và thành lập Cục Kiểm ngư trong tháng 12 này, sẽ xúc tiến hàng loạt các vấn đề pháp lý để lực lượng này hoạt động”, ông Tuấn cho biết.

Sẽ được trang bị hiện đại

Cũng theo ông Tuấn,  để kiện toàn bộ máy, tới đây, Bộ  NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan khác ban hành 3 Thông tư liên tịch liên quan đến tài chính, chế độ chính sách, tổ chức ngạch, công chức, viên chức trên tàu… đồng thời, sẽ sửa đổi, bổ sung lực lượng kiểm ngư vào một số văn bản luật, như Luật Thủy sản, Luật Xử phạt vi phạm hành chính…

Kiểm ngư cũng có chức năng trao đổi thông tin, tài liệu, có thể cho phép lực lượng khác lên tàu để phối hợp, điều động lực lượng, phương tiện. Kiểm ngư được trang bị các công cụ hỗ trợ, các thiết bị chuyên dùng khi thi hành công vụ, và các thiết bị khác theo quy định của pháp luật. 

Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng 28 Chi cục Kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành ven biển; các tỉnh khác sẽ có phòng kiểm ngư để tuần tra, kiểm soát trên các hồ. Mỗi cơ quan kiểm ngư tại các tỉnh ven biển sẽ có 1 tàu kiểm ngư hiện đại, công suất từ 2.000 mã lực trở lên, có thể hoạt động dài ngày trên biển, trong điều kiện sóng gió cấp 8 - 9. Tàu kiểm ngư sẽ có trang thiết bị hiện đại như hệ thống vô tuyến MF/HF, GPS và liên lạc qua vệ tinh Immarsat; trang thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người và tàu cá trên biển; thiết bị kiểm tra chuyên dụng, quay phim, chụp ảnh bằng tia hồng ngoại, ...

Đánh giá về sự ra đời của lực lượng kiểm ngư Việt Nam, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Việc lực lượng kiểm ngư chính thức được thành lập sẽ rất tốt cho ngư dân, bởi họ sẽ tham gia vào việc kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển. Cùng với các lực lượng khác, kiểm ngư sẽ là một trong những lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển”. 

Tin cùng chuyên mục