Kiếm hàng triệu USD nhờ lữ hành "chui"

 Vào các dịp nghỉ lễ, khi mà nhu cầu du lịch tăng đột biến cũng là lúc lữ hành “chui” ráo riết hoạt động. Có chi nhánh thu lợi gần 10 triệu USD/năm từ hoạt động lữ hành “chui”

Kiếm hàng triệu USD nhờ lữ hành "chui"

 Vào các dịp nghỉ lễ, khi mà nhu cầu du lịch tăng đột biến cũng là lúc lữ hành “chui” ráo riết hoạt động. Có chi nhánh thu lợi gần 10 triệu USD/năm từ hoạt động lữ hành “chui”

Khách du lịch quốc tế tại Đà Nẵng
Khách du lịch quốc tế tại Đà Nẵng

Đoàn thanh tra của Tổng cục du lịch vừa tiến hành kiểm tra hoạt động lữ hành của các đoàn khách đang tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và chỉ trong thời gian chưa đầy 2 giờ đồng hồ đã phát hiện gần chục trường hợp vi phạm Luật Du lịch, chủ yếu là kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép.

Tính từ đầu năm, Tổng cục đã kiến nghị Bộ CA trục xuất 18 cá nhân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Cũng qua thanh tra 53 cá nhân và 10 đơn vị, phát hiện 25 hướng dẫn viên sai phạm trong hoạt động, 6 doanh nghiệp vi phạm trong lữ hành quốc tế, 4 văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động trái pháp luật.

Thực tế, hiện tượng trên đã diễn ra cách đây từ nhiều năm nay và vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời. Vào các dịp nghỉ lễ, khi mà nhu cầu du lịch tăng đột biến cũng là lúc lữ hành “chui” ráo riết hoạt động. Cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ kinh doanh lữ hành “chui”, trong đó riêng ở Huế và Đà Nẵng đã phát hiện 28 vụ.

Tại TP HCM đã phát hiện 9 DN vi phạm. Đặc biệt, mới đây, kiểm tra 22 chi nhánh, văn phòng đại diện của các Cty nước ngoài đặt tại TP HCM, phát hiện 10 trường hợp không được cấp phép lữ hành nhưng vẫn bán tour cho khách. Đáng nói, có chi nhánh thu lợi gần 10 triệu USD/năm từ hoạt động lữ hành “chui”.

Tại Hà Nội, việc kinh doanh lữ hành “chui” của Cty TNHH Minh Tiệp (phố Hàng Bạc, Hà Nội) xảy ra thời gian dài nhưng chỉ bị phát hiện khi bán tour cho 10 khách nước ngoài tham quan Vịnh Hạ Long làm 1 người chết đuối, mặc dù Cty này không được cấp phép lữ hành quốc tế!

Theo Tổng cục Du lịch, Quảng Ninh, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là các địa phương có nhiều điểm kinh doanh lữ hành “chui” nhất. Vấn đề này đang làm các cơ quan chức năng đau đầu. Ông Phạm Huỳnh Công - Chánh thanh tra Tổng cục Du lịch cho biết, kinh doanh lữ hành “chui” thể hiện ở mấy dạng:

Thứ nhất, không có chức năng kinh doanh lữ hành nhưng vẫn tổ chức bán tour.

Thứ hai, hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn dẫn khách (xảy ra phổ biến đối với các đoàn khách Hàn Quốc, Nga, Tiệp…).

Thứ ba, cán bộ, nhân viên của các khách sạn, Cty DL “đánh quả” riêng.

Thứ tư, các Cty lợi dụng chức năng được kinh doanh lữ hành đã mở nhiều chi nhánh, văn phòng và “khoán trắng” cho các chi nhánh, văn phòng nhưng không giám sát, kiểm tra (thường gọi là lữ hành “chui” núp bóng).

Thứ năm, các DN nước ngoài mở văn phòng đại diện tại VN nhưng vẫn tiến hành bán tour.

Cũng theo ông Phạm Huỳnh Công, các cơ quan chức năng cần phối hợp vào cuộc để giải quyết vấn nạn lữ hành “chui”.

“Nhưng có vào cuộc cũng không kiểm tra hết được. Họ lợi dụng cơ chế cởi mở của Luật Du lịch để lách luật, trục lợi. Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì hiện tượng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc thu hút du khách quốc tế” - Ông Công nói.

Ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Bộ vừa lên kế hoạch tập trung kiểm tra và xử lý mạnh đối với hoạt động lữ hành “chui”, nhằm làm lành mạnh hóa thị trường du lịch Việt Nam.

Đức Kế - Đình Thắng

Tiền phong

Tin cùng chuyên mục