Kiếm bộn tiền với “khách sạn không chỉ để ngủ”

ANTĐ - “Chi phí dành cho văn phòng là chi phí lớn thứ hai đối với hầu hết các công ty, và thực sự, bạn sử dụng chiếc bàn làm việc ở công ty chỉ chưa đến một phần ba thời gian làm việc của bạn”. Ngược lại, ngày càng có nhiều công ty đã thay đổi suy nghĩ về không gian làm việc. Đó là nguyên nhân khiến các nhà kinh doanh khách sạn chuyển hướng.

Khách sạn không chỉ để ngủ mà còn là nơi thích hợp để làm việc

Không gian làm việc theo yêu cầu

Vì dịch vụ cho thuê văn phòng truyền thống đã bước vào giai đoạn sụp đổ trên toàn cầu, hệ thống các khách sạn đang bắt đầu thay đổi chức năng của mình để thích ứng với làn sóng mới của những “nhân viên di động”. “Chúng tôi luôn cố gắng để thay đổi cách suy nghĩ của mọi người về khách sạn” - ông Peggy Roe, Phó Chủ tịch Công ty Cung cấp dịch vụ toàn cầu Marriott International nói, “Chúng tôi muốn mọi người nghĩ rằng, Marriott không chỉ là nơi đến để ngủ, mà còn là nơi thích hợp để làm việc”.

Hồi đầu năm nay, Marriott bắt đầu đưa vào thử nghiệm một khái niệm mới có tên gọi “Không gian làm việc theo yêu cầu”. Tại 35 khách sạn trên khắp nước Mỹ (và 1 khách sạn ở châu Âu), khách hàng có thể đặt một hội nghị quy mô nhỏ với giá chỉ 50 USD/giờ. “Nhiều khách hàng nói rằng họ đã lẻn vào hành lang hay vào khu bãi đỗ xe để để dùng wifi “chùa”. Nhưng giờ đây, chúng tôi nói rằng “các bạn được phép làm điều đó, hãy đến và ngồi hẳn trong sảnh của chúng tôi”.

Sau 3 tháng hoạt động thử nghiệm, Roe cho biết, dịch vụ đã đem lại thành công rõ rệt. Trong hai tháng tới, họ sẽ tiếp tục mở rộng không gian làm việc theo yêu cầu tại 6 địa điểm khác ở Mỹ, và họ cũng đã để mắt tới các mục tiêu ở nước ngoài. Về cơ bản, Marriott cung cấp tối thiểu một chiếc bàn và một ổ phích cắm, tuy nhiên, Roe cho biết “hầu hết mọi người chỉ muốn có một không gian làm việc cơ bản, họ không đòi hỏi nhiều hơn thế”.

Tháng trước, hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Westin đã cho ra mắt dịch vụ Tangent, với mục tiêu nhằm vào đối tượng làm việc trẻ, năng động. Họ cung cấp phòng với giá từ 50 – 60 USD/giờ, có thể trở thành nơi làm việc của một nhóm khoảng 3-4 người. Trang thiết bị cần thiết bao gồm một bàn làm việc, đủ cho nhiều người dùng một lúc và chia sẻ tài liệu từ các thiết bị cá nhân. Có cả khu vực dành riêng để thư giãn, ngoài ra còn có một khu vực gọi là “phòng chờ” tạo điều kiện cho các cuộc phỏng vấn, tiếp khách - điều mà trước đây các khách hàng thường phải thực hiện ở sảnh khách sạn, chứ không phải trong phòng.

“Bạn sẽ thấy một nhóm chuyên gia tư vấn bận rộn với chiếc máy tính xách tay, để thực hiện một cuộc thuyết trình, hoặc những người có hẹn cuộc phỏng vấn, và sảnh chung của khách sạn thì không thể tạo sự riêng tư cho những chủ đề họ cần thảo luận” - Brian Povinelli, Phó Chủ tịch và lãnh đạo thương hiệu toàn cầu tại Westin-Meridien nói.

Westin đã nhìn thấy một cơ hội để thích ứng không chỉ với những khách hàng đang “tạm trú” trong khách sạn của mình, mà còn cả  những “nhân viên xê dịch” có nhu cầu khác. Hãng này cũng có kế hoạch mở thêm 50 điểm nữa ở Mỹ đến năm 2014 và một điểm đang được xây dựng ở Bali.

Tiềm năng dồi dào - 1,3 tỷ nhân viên di động 

Theo nghiên cứu của Westin, 75% người lao động ở Mỹ thường xuyên di chuyển, có nghĩa là ít nhất mỗi ngày trong một tuần, họ không có văn phòng ổn định. Trên toàn thế giới, con số  này là 30% và đang không ngừng tăng thêm. Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) đưa ra con số người lao động di động trên toàn thế giới vào khoảng 1,3 tỷ người.

“Từ góc độ doanh nghiệp, việc ký kết hợp đồng thuê văn phòng trong thời gian từ 5-10 năm là mô hình đã hoàn toàn bị phá sản” - ông Marck Gilbreath, người sáng lập và Giám đốc điều hành LiquidSpace lưu ý. LigquidSpace là công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng theo giờ hiện đang làm ăn rất phát đạt. Ông Marck cho rằng, sự gia tăng số lượng những nhân viên làm việc di động không chỉ là do tiện ích công nghệ mang lại mà còn là nhu cầu của chính các công ty. 

Westin và Marritott là những nhà tiên phong trong việc thích ứng thị trường khách sạn để đáp ứng nhu cầu của một lực lượng lớn nhân lực lao động – “nhân viên di động”. Và nhiều thương hiệu khác trên thế giới cũng đã không bỏ qua cơ hội kiếm bộn tiền khi dịch vụ này ngày càng phát triển.  “Khách sạn là ngành kinh doanh không gian, và chúng mang lại hiệu quả rất lớn với dịch vụ cung cấp không gian theo yêu cầu. Bước tiếp theo là mở rộng thương hiệu để khách sạn là nơi làm việc, không chỉ là nơi để ngủ” - Marck Gilbreath nói.