Kịch bản kinh tế thế giới năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Điểm nhấn nổi bật chi phối nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu năm 2020 là đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế thế giới, gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và dư thừa công suất sử dụng máy móc thiết bị

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế thế giới, gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và dư thừa công suất sử dụng máy móc thiết bị

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế thế giới gắn với các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội; gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và dư thừa công suất sử dụng máy móc thiết bị; làm giảm sút cả về tổng cung và tổng cầu, đầu tư và thu nhập của Nhà nước và người tiêu dùng.

Giá trị tài sản bằng chứng khoán của các hộ gia đình và doanh nghiệp sụt giảm do sự lao dốc của thị trường chứng khoán. Giá dầu sụt giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới nguồn thu và cầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tổng đầu tư xã hội giảm mạnh khi rủi ro đầu tư gia tăng. Dịch Covid-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới.

Đồng thời, dịch Covid-19 còn tăng nạn thất nghiệp và đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; làm gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính - tiền tệ thông qua sự bùng nổ các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD và cắt giảm lãi suất tiền tệ, kéo theo nguy cơ giảm giá các đồng tiền và gia tăng sức ép nợ cộng và lạm phát tiền tệ trên cả phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong báo cáo tháng 4-2020 cho biết, 81% lực lượng lao động toàn cầu (3,3 tỷ người) hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ, ILO dự báo số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II-2020, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

“Làn sóng” vỡ nợ tiêu dùng đang bắt đầu kích hoạt trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán đang tăng nhanh một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng mạnh. Nợ công và thâm hụt ngân sách của các quốc gia cũng có thể tăng trong thời gian tới do các gói nới lỏng tài khóa và tiền tệ cứu trợ nền kinh tế.

Tất cả điều đó tạo cộng hưởng động lực biến vàng thành công cụ lựa chọn bảo toàn giá trị được tin cậy và ưa chuộng nhất hiện nay, cho cả người dân và Nhà nước.

Một loạt quốc gia và tổ chức kinh tế đã “tung” ra các gói hỗ trợ kinh tế lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, một số nước như Mỹ, Nhật Bản đã tung liên tiếp 3 gói hỗ trợ tổng cộng tới 20% GDP của mình. Điểm chung của các gói hỗ trợ này là hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch, phục hồi kinh tế, bảo đảm việc làm, tái đào tạo kỹ năng lao động và tài trợ vật tư, dịch vụ, sản xuất thuốc men y tế chống dịch. Trong các báo cáo chính thức, tất cả các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo ngày 24-6-2020 cho biết, kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930 thế kỷ trước và có thể tăng trưởng âm 4,9% trong năm 2020, không loại trừ cả các nước ASEAN vốn có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới hàng năm. Cả châu Á chỉ có Trung Quốc tăng trưởng khoảng 1% GDP và Việt Nam tăng khoảng 2% GDP… Sang năm 2021, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng trưởng từ 0,5-8,4% và cũng chưa chắc chắn. IMF khuyến cáo các Chính phủ cần tiếp tục tiến hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình

Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo tháng 6-2020 về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng khẳng định, năm 2020 nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới 5,2% và đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 3,6% và khiến 100 triệu người triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực (riêng Mỹ có 45,7 triệu người đã nộp đơn xin thất nghiệp). Nếu đại dịch bị đẩy lùi thì tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021 và triển vọng này cũng rất không chắc chắn. Chính phủ các nước phải tăng cường chất lượng dịch vụ y tế song song với chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân và trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo tháng 6-2020 cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu tương ứng với hai kịch bản:

- Một là, dịch bệnh được kiểm soát.

- Hai là, “làn sóng” Covid-19 lần thứ hai trong năm 2020.

Theo đó, với kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thế giới sẽ giảm 6% trong năm nay và tăng 5,2% trong năm tới. Ở trường hợp thứ hai, “làn sóng” Covid-19 lần thứ hai “tấn công”, các số liệu cho nền kinh tế toàn cầu sẽ là âm 7,6% trong năm 2020 và cộng thêm 2,8% vào năm 2021. OECD dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm 7% trong năm 2020, còn khu vực

Eurozone tăng trưởng âm 9%. Kinh tế Italia, Pháp và Anh có thể suy giảm tăng trưởng đến hơn 11%. Tổ chức này cũng cho rằng không có quốc gia nào có thể mong đợi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ theo một trong hai kịch bản.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tháng 4-2020 dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13-32% trong năm 2020, song sẽ phục hồi ở mức từ 21-24% nếu các nước phối hợp với nhau sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được đẩy lùi.

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tháng 3-2020 dự báo dòng vốn FDI toàn cầu sẽ sụt giảm từ 30-40% trong giai đoạn 2020-2021, do những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ từ phía cung mà cả phía cầu. Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp, mặc dù có thể hồi phục trong nửa cuối năm nếu dịch

Covid-19 được kiểm soát, dòng vốn gián tiếp vào các thị trường mới nổi dự báo vẫn bị rút ra ròng, ở mức âm 41 tỷ USD. Dòng kiều hối chuyển về các nước đang phát triển và đang nổi dự báo sẽ sụt giảm do tác động của dịch Covid-19. Giá cả hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào sẽ phục hồi dần trong thời gian tới khi dịch bệnh một số nước giảm dần.

Hiệp hội Công nghiệp điện tử (EIA) tháng 5-2020 dự báo giá dầu thô Brent trung bình sẽ chỉ 23 USD/thùng trong quý II-2020, sau đó tăng lên 32 USD/thùng nửa cuối năm 2020 và trung bình cả năm sẽ đạt 34 USD/thùng giảm từ mức 64 USD/thùng năm 2019. Sang năm 2021, giá dầu sẽ dần phục hồi và đạt mức 48 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng được dự báo chỉ đạt mức 30 USD/thùng năm 2020 và 43,3 USD/thùng năm 2021.

“Một loạt quốc gia và tổ chức kinh tế đã “tung” ra các gói hỗ trợ kinh tế lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, một số nước như Mỹ, Nhật Bản đã tung liên tiếp 3 gói hỗ trợ tổng cộng tới 20% GDP của mình. Điểm chung của các gói hỗ trợ này là hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch, phục hồi kinh tế, bảo đảm việc làm, tái đào tạo kỹ năng lao động và tài trợ vật tư, dịch vụ, sản xuất thuốc men y tế chống dịch. Trong các báo cáo chính thức, tất cả các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong