Khuyến khích xây nhà xã hội để cho thuê

ANTĐ - Góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 10-9, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho rằng, chính sách nhà ở xã hội cần tạo điều kiện cho người dân có nhà ở chứ không phải sở hữu nhà ở. Do đó, nên có cơ chế ưu tiên, khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê...

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phân tích, nhu cầu nhà ở, cho thuê đối với các đối tượng công nhân viên chức, người lao động thu nhập thấp hiện nay rất lớn. Vậy nhưng đang tồn tại thực tế là các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến xây dựng nhà ở xã hội để bán, trong khi các đối tượng thực sự cần đến nhà ở xã hội chưa có điều kiện mua nhà. Do đó, đại biểu Lê Như Tiến kiến nghị, trong Luật Nhà ở cần có cơ chế cả bắt buộc và khuyến khích nhà đầu tư xây nhà ở xã hội cho thuê, chẳng hạn buộc họ phải dành 20-30% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê và sau 5 năm mới được bán.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, xây dựng Luật Nhà ở cần phải trên nguyên tắc chính sách nhà ở xã hội là để mọi người dân đều có nhà ở chứ không phải đều được sở hữu nhà ở. Hiện chính sách ưu đãi nhà ở xã hội của nước ta đang quá tập trung vào phân khúc làm nhà để bán. Đây là một điểm chưa hợp lý và nên tập trung hơn vào phát triển nhà ở xã hội để cho thuê. Tương tự, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, ngoài việc quy định ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, cần quan tâm đúng mức hơn đến người dân có nhu cầu nhà ở xã hội… 

Những ý kiến đóng góp này đã nhận được sự tán thành của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại hội nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn, quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên thuê.

Bên cạnh vấn đề nhà ở xã hội, các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở chung cư, quy định về sở hữu chung và sở hữu riêng trong các nhà chung cư cũng được ĐBQH  quan tâm. Theo đó, nhiều ĐBQH chuyên trách nhất trí quan điểm, quy định chỗ để xe trong nhà chung cư chia thành 2 loại: nếu là chỗ để xe 2 bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ô tô thì do chủ đầu tư quyết định sở hữu chung hay riêng là chưa hợp lý. Trước đó khi cho ý kiến về điều này trong dự thảo Luật nhà ở, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định chia nơi để xe trong nhà chung cư thành 2 loại như dự thảo Luật đã dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp về nơi để xe ô tô vì không rõ là thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng; ngoài ra còn làm phát sinh tranh cãi về mức giá trông giữ xe ô tô, gây mất ổn định trật tự xã hội.

Chiều cùng ngày, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây đã góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.