Khủng hoảng Ukraine và những thách thức mới của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngay khi các nhà ngoại giao đang bàn thảo về hòa bình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hỏa lực của Nga bắt đầu trút xuống Ukraine. Chiến dịch quân sự được dự báo từ trước sẽ vang xa hơn cả Nga và nước láng giềng Ukraine.

Những vụ nổ lớn ở nhiều thành phố của Ukraine đêm 23-2 đã kết thúc những thập kỷ hòa bình của châu Âu. Trong vòng vài giờ, video phát trực tiếp cho thấy các phương tiện quân sự tràn sang biên giới Ukraine từ nhiều hướng. Khắp Thủ đô Kiev, tiếng còi báo động vang lên báo trước một cuộc khủng hoảng mới đầy nguy hiểm. Cuộc chiến này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, đó là sự tăng vọt về giá xăng vốn đã cao đối với những người Mỹ đang phải vật lộn để thoát khỏi đại dịch. Và nó có thể khơi lại một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, tạo ra thế đối đầu bấp bênh giữa Mỹ và Nga, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Các chuyến bay quốc tế tránh không phận chiến sự Nga - Ukraine

Các chuyến bay quốc tế tránh không phận chiến sự Nga - Ukraine

Tương lai khó kiểm soát

Bản chất cuộc chiến và tầm quan trọng của nó đối với phần còn lại của thế giới thể hiện qua bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người nói rằng đã nỗ lực điện đàm nhưng điện Kremlin không đáp lại. Tổng thống Zelensky bắt đầu bài phát biểu bằng tiếng Ukraine, nhưng nói phần lớn bằng tiếng Nga, khẳng định ông đang cố gắng truyền tải một thông điệp tới những người dân Nga.

Ông Zelensky tuyên bố rằng, Ukraine sẽ không bao giờ là mối đe dọa đối với người Nga, mà chỉ muốn có quyền tự quyết và an ninh cho chính mình. “Chúng tôi muốn tự mình xác định lịch sử của mình. Trong hòa bình, bình tĩnh và trung thực” - ông nhắn nhủ. Ông Zelensky cũng cố gắng nhắc lại mối quan hệ giữa 2 quốc gia. “Nhiều người trong số các bạn đã ở Ukraine. Nhiều người trong số các bạn có người thân ở Ukraine. Một số đã học ở các trường đại học Ukraine. Các bạn hiểu Ukraine. Hãy lắng nghe chính mình. Hãy lắng nghe tiếng nói của lý trí” - ông Zelensky nhấn mạnh. Cuối cùng, Tổng thống Ukraine lưu ý: “Bước đi này có thể trở thành sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lớn ở lục địa châu Âu”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen, cũng đưa ra quan điểm tương tự khi trả lời CNN: “Khi bắt đầu một cuộc chiến ở nơi khô cằn, người ta có thể gây ra một ngọn lửa hoang dã”.

Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới

Ngoài thách thức đối với trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo và nơi từng được gọi là thế giới tự do, người Mỹ sẽ phải trả giá cho sự kiện này, mặc dù họ không bị tấn công trực tiếp. Giá xăng cao hơn và lạm phát là điều chắc chắn. Giá dầu thế giới đã tăng trên 100 USD/thùng ngay sau khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu.

Bên cạnh đó, Mỹ không thể điều quân đến chiến đấu tại Ukraine vì Ukraine không phải là thành viên NATO. Nhưng gần như chắc chắn, Washington sẽ phải đưa quân trở lại để hỗ trợ các đồng minh châu Âu và tới các căn cứ mà họ đã để lại cách đây 30 năm. Các quốc gia Baltic như Latvia, Lithuania và Estonia đột nhiên có vẻ dễ bị tổn thương, và không giống như Ukraine, họ là các thành viên NATO mà Mỹ phải bảo vệ theo hiệp ước phòng thủ chung. Nói rộng hơn, việc Nga tấn công Ukraine là một thách thức khác đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ.

Cách Tổng thống Joe Biden xử lý cuộc khủng hoảng - điều mà phương Tây lo ngại có thể trở thành cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai - cũng được cho là có tác động sâu sắc đến vận mệnh chính trị của ông và mối quan hệ của Mỹ với thế giới. Ông Biden tuyên bố, Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả dứt khoát trước “cuộc tấn công vô cớ và phi lý” của Nga. Nhưng, việc xử lý cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông cho đến nay vẫn được coi là khá hỗn tạp.

Người Mỹ cho đến nay không muốn can thiệp ở bất kỳ chiến trường nào sau vũng lầy Afghanistan và Iraq. Còn Tổng thống Putin có lợi thế khi biết ông Biden sẽ không tham chiến chống lại một cường quốc hạt nhân khác để bảo vệ một quốc gia có đường biên giới dài với Nga mà Washington không có thỏa thuận quốc phòng nào. Một số nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu việc triển khai thêm vài nghìn quân Mỹ tới Đức, Ba Lan và Romania liệu có đủ hay không?

Các quan chức Mỹ đã thừa nhận, những lệnh trừng phạt có thể thúc đẩy giá dầu cao hơn, làm tăng thêm thách thức đối với ông Biden trong việc chống lạm phát. Nhưng vẫn phải nhìn lại xem, liệu các biện pháp đó có khiến ông Putin lùi bước hay không. Ông Ian Kelly - cựu Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết: “Một trong những thiếu sót là gói răn đe đưa ra không đối xứng vì nó chủ yếu là kinh tế, còn chúng ta đang đối mặt với mối đe dọa quân sự”.

Đoàn xe dài rời khỏi Thủ đô Kiev sau khi Nga phát động chiến dịch vào miền Đông

Đoàn xe dài rời khỏi Thủ đô Kiev sau khi Nga phát động chiến dịch vào miền Đông

Tổng thống Nga thiết lập “ranh giới lâu dài”

Mỹ đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với Nga. Tổng thống Joe Biden đã khuấy động các đồng minh thành một mặt trận thống nhất, đồng thời cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn bất kỳ vị Tổng thống Mỹ nào trước đây. Bất chấp những áp lực đó của Mỹ, Tổng thống Nga vẫn không nản lòng.

Hiện vẫn chưa rõ chiến dịch quân sự này kéo dài tới đâu và mức độ thế nào, nhưng mục đích của nó rất rõ ràng. Tổng thống Putin từ lâu đã phản đối những gì ông coi là thiếu tôn trọng từ Mỹ sau Chiến tranh Lạnh và sự mở rộng về phía Đông của NATO bao gồm các đồng minh cũ của Liên Xô như Ba Lan, Romania và Hungary. Điều này giải thích tại sao xung đột có thể nằm ở Ukraine, nhưng nó có thể lan rộng nữa.

Theo phân tích của ông Paul Kolbe - cựu sỹ quan CIA, một chuyên gia về nước Nga, việc đưa quân vào một quốc gia rộng hơn Pháp hoặc Đức có thể tạo ra một tình thế không bền vững cho người Nga, đó là “một canh bạc lớn”. Ông Kolbe nói một cách hình ảnh: “Con gấu sẽ phải cố gắng để nuốt con nhím, nhưng tôi nghĩ rất khó tiêu hóa. Đây là cuộc xung đột sẽ kéo dài và cho dù nó có diễn ra tốt đẹp hay không thì ông Putin sẽ thay đổi hình dạng châu Âu. Ông ấy sẽ thiết lập các ranh giới lâu dài giữa Ukraine với phương Tây”.

Thời điểm trước khi cuộc tấn công bắt đầu, các nhà ngoại giao đã tập trung tại phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để dự cuộc họp do Đại sứ Nga chủ trì. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra lời cầu xin cuối cùng: “Tôi chỉ có một điều muốn nói từ tận đáy lòng. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Quá nhiều người đã chết”. Thế nhưng, đã quá muộn!

Hãy cho hòa bình một cơ hội

“Nếu thực sự một chiến dịch quân sự đang được chuẩn bị, tôi chỉ có một điều muốn nói từ tận đáy lòng. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Quá nhiều người đã thiệt mạng”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Gutteres (Phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến tình hình Ukraine tối 23-2)