Khủng hoảng suy dinh dưỡng

ANTĐ - Cho rằng suy dinh dưỡng đã trở thành cuộc khủng hoảng “thầm lặng” tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở các nước nghèo, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tổ chức một hội nghị quốc tế kêu gọi có các biện pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em toàn cầu.
Những bà mẹ và trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng ở Thủ đô Mogadishu của Somalia

Phát biểu tại hội nghị diễn ra trong 2 ngày 5 và 6-10 tại Đan Mạch, Giám đốc Ban Cung cấp sản phẩm dinh dưỡng của UNICEF Shanelle Hall đánh giá suy dinh dưỡng thật sự đang trong tình trạng khẩn cấp. Vì thế, bà kêu gọi các chính phủ và tổ chức toàn cầu hỗ trợ cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em toàn cầu.

Đây là lần thứ hai (UNICEF) tổ chức hội nghị quốc tế để cùng các nhà sản xuất, các nhà cung cấp và các đối tác khác thảo luận các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em trên thế giới. Các hội nghị này diễn ra trong bối cảnh suy dinh dưỡng thành một vấn đề báo động đỏ tại nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt ở 48 nước nghèo nhất thế giới.

Theo các số liệu của LHQ, khoảng 195 triệu trẻ em các nước nghèo bị suy dinh dưỡng, không được phát triển đầy đủ về thể chất và nhận thức từ khi được thai nghén cho đến 2 năm đầu đời. Những em này sẽ trở thành những người khuyết tật cả về thể chất lẫn trí tuệ và rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Bên cạnh đó, mỗi năm còn có 358.000 bà mẹ tuổi từ 15-49 ở các nước đang phát triển tử vong khi mang thai và sinh nở, gần 2,6 triệu trẻ sơ sinh và 8,1 triệu trẻ em dưới 1 tuổi tử vong, phần lớn do không được nuôi dưỡng đủ chất. 80% số trẻ em suy dinh dưỡng trên toàn cầu tập trung chủ yếu ở 24 nước đang phát triển trên thế giới.

Trong khi đó, các nhà kinh tế học tính toán rằng nếu tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng không được cải thiện thì trong 10 năm tới nền kinh tế thế giới sẽ phải tiêu tốn từ 180 đến 250 tỷ USD để giải quyết các hậu quả do sự sa sút về trí tuệ, suy giảm hệ thống miễn dịch, tử vong bà mẹ và trẻ em cũng như sự thiệt hại do suy giảm năng suất lao động gây ra. Song để đối phó với những thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng hiện nay chỉ cần đầu tư khoảng 4 đến 5 tỷ USD mỗi năm.

Chính vì thế, các tổ chức phát triển của LHQ nhấn mạnh đã đến lúc phải thừa nhận rằng dinh dưỡng phải là vấn đề hàng đầu trong các diễn đàn quốc tế về an ninh lương thực. An ninh dinh dưỡng phải là nhân tố căn bản không thể thiếu, ngang bằng với nước sạch hoặc giáo dục trong chiến lược phát triển quốc gia của các nước nghèo.

Hưởng ứng Chiến lược toàn cầu về sức khoẻ bà mẹ và trẻ em do Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phát động hồi tháng 9-2010, đến nay đã có 16 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cam kết cùng với LHQ tăng cường chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em cũng như các biện pháp cấp thiết khác để giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.