Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Tiếc cho Nord Stream 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khủng hoảng năng lượng châu Âu đang tiếp diễn, khí đốt dự trữ của EU đang cạn dần, trong khi ‘Dòng chảy phương Bắc-2’ (Nord Stream 2) của Nga vẫn chưa được cấp phép.

Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đưa tin trên kênh Telegram chính thức của tập đoàn rằng, trong bối cảnh châu Âu vừa mới bước vào mùa đồng, các quốc gia châu Âu đã rút hơn 70% lượng khí đốt được bơm trong mùa hè khỏi các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất.

Theo dữ liệu Gas Infrastructure Europe (Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu), tính đến ngày 22 tháng 1, khối lượng khí đốt còn trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu ít hơn năm ngoái 26% (14,9 tỷ mét khối), hơn 70% khối lượng khí đốt được bơm vào mùa hè đã được rút ra.

Thông tin cho biết thêm, trữ lượng khí đốt của châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Đến ngày 25/1, lượng khí rút ra đạt 71,8%, tương đương 34,3 tỷ mét khối. Do đó, trữ lượng ở mức thấp hơn mức tối thiểu ngày 22-1-2022 là 1,85 tỷ mét khối.

Đặc biệt là ở Đức, nước có nguồn cung tốt nhất thì tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của nước này cũng đã giảm xuống còn 41,8%.

Khủng hoảng năng lượng châu Âu chủ yếu là do cung không đủ cầu, trong khi Nord Stream 2 vẫn không được cấp phép
Khủng hoảng năng lượng châu Âu chủ yếu là do cung không đủ cầu, trong khi Nord Stream 2 vẫn không được cấp phép

Gazprom cho biết thêm, ở Ukraine – quốc gia thường xuyên phải mua ngược khí đốt Nga từ các nước châu Âu, con số này giảm xuống còn 12,1 tỷ mét khối, thấp hơn 44,6% so với một năm trước đó.

Trong mùa trước, do mùa đông kéo dài và lạnh giá, châu Âu đã tiêu tốn khối lượng kỷ lục trong vài năm qua, lượng khí đốt rút từ các cơ sở lưu trữ lên tới 65,6 tỷ mét khối.

Nhiệt độ mùa đông năm nay quá thấp đã thúc đẩy nhu cầu cực cao về nhiên liệu trong khi nguồn cung không đủ bởi các nước xuất khẩu khí đốt đã tăng cường chuyển sang châu A, do đó, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng cao vượt trần lịch sử trong mấy thập kỷ qua.

Vào ngày 21 tháng 12, giá hợp đồng khí đốt giao sau đã tăng lên mức tối đa trong lịch sử - gần 2.200 dollars mỗi 1 nghìn mét khối khí đốt.

Hiện nay, Nga đang chiếm khoảng 40% thị phần khí đốt châu Âu với nguồn cung dồi dào và các hợp đồng dài hạn có tính bảo đảm ổn định cao, ví dụ như khoảng 40% nguồn cung của Đức đến từ Nga, còn một số nước như: Serbia, Hungary, Thụy Điển, Phần Lan… “gần như hoàn toàn phụ thuộc” vào khí đốt của Nga.

Các chuyên gia cho rằng gần đây của giá khí đốt ở châu Âu tăng cao do một số yếu tố, trong đó chủ yếu là nguồn cung từ nhà cung cấp lớn hạn chế và nhu cầu ở châu Á về khí tự nhiên hóa lỏng tăng cao, khiến các nhà cung cấp khí hóa lỏng Âu-Mỹ chuyển LNG sang châu Á.

Trong khi đó, tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) của Nga chạy qua đáy biển Baltic qua Đức với công suất 55 tỷ m3 mỗi năm vẫn chưa được EU cấp phép do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (nhưng Moscow cáo buộc là do yếu tố chính trị) khiến khí đốt đường ống giá rẻ của Nga không thể đến với người tiêu dùng châu Âu.