Khúc hát chim trời

ANTĐ - Đang nằm lười trong chăn tận hưởng một buổi sáng cuối tuần nhàn rỗi thảnh thơi hiếm thấy, chợt nghe tiếng lạch phạch khe khẽ. Đưa mắt nhìn khắp phòng, hóa ra có một chú chim sâu vô tình bay vào nhà rồi cứ thế lao vào cửa kính hòng thoát thân. Chú chim sâu tội nghiệp cất cánh hết lần này đến lần khác, ngã rồi lại dậy, lại lấy đà, lao và ngã chúi nhưng chưa một lần nào tuyệt vọng.

Tôi khẽ lấy ghế, trèo lên, tóm nhẹ chú chim, tung chú ra ngoài. Đôi cánh chao xuống một chút rồi bay vút lên bụi cây trước nhà. Hàng loạt tiếng chim ríu rít hót lên như mừng chú chim vừa thoát nạn. Không ngủ được nữa, tôi đến bên cửa sổ. Nắng vừa loe tới ngọn cây. Mỗi lùm cây như chứa điều bí mật đang hừng sáng. Chợt radio từ nhà nào vẳng đến "Như chim trời, người trẻ dại trong ta líu lo bên thềm, những khúc ca mùa xuân". Tôi lẩm nhẩm theo bài "Khúc hát chim trời" của nhạc sĩ Thanh Sơn mà mình yêu thích từ những ngày còn thơ bé. Chợt thấy lòng rưng rưng như ngọn gió từ mùa cũ ùa về, ôm mình rất chặt.

Cái cảm giác mềm mại, run run của chú chim trong tay mình vẫn còn đây. Cứu một chú chim, bàn tay bỗng bâng khuâng như nhặt được một viên ngọc quý. Ấy thế mà, cũng bàn tay này, những khi còn cắt cỏ chăn trâu ở quê, có khi lùa suốt cánh đồng chiều, trèo tít lên ngọn cau, đánh đu trên ngọn mít để bắt bằng được vài chú chim, đan lồng để nuôi, cho chim ăn tất cả những thứ gì... người ăn. Rồi dăm ba ngày sau, hoặc con chim phá lồng đi, hoặc lạnh cóng chân cánh, rã lông cứng đơ mà chết. Tiếng chim bố mẹ nỉ non trên cành, cứa vào lòng đứa trẻ con nỗi day dứt, ân hận khôn nguôi. Để rồi, vài hôm sau, tính trẻ con nổi lên, lại lùng bắt cho bằng được những con chim tội nghiệp...

Hà Nội ồn ào và náo nhiệt, nhưng cũng  có khoảng lặng bất chợt. Ấy là khi tiếng rao lảnh lót, tiếng chim lích chích ríu ran cất lên. Có lẽ, ngoài việc thích bắt và sở hữu những con chim nhỏ là tính cố hữu trong con người ta từ khi còn thơ bé, việc nuôi chim của người đô thị, trong đó có Hà Nội còn là để con người sống gần thiên nhiên hơn, tạo ra những khoảng lặng cho mình. Vì thế, khắp Hà Nội, không khó gì để bắt gặp những lồng chim treo lủng lẳng. Nhỏ lẻ thì trong mỗi gia đình, đông hơn thì hàng dãy lồng treo một góc hồ Thiền Quang, quán cà phê Cây Đa (góc sau cung Thiếu nhi),phố Trần Hưng Đạo... Tuy nhiên, ở Hà Nội vẫn có những con người nuôi những chú chim chẳng cần lồng sơn son thếp vàng. Góc chợ Nam Đồng đông đúc, người xe phải chen nhau để đi, những chú chim sẻ vẫn hồn nhiên sà xuống những bao gạo mở toang của một hàng gạo nọ.

Nhưng bỏ ra hàng tấn thóc nuôi chim như bà Tim ở góc phố Bà Triệu - Tô Hiến Thành thì có lẽ bạn sẽ lấy làm khó tin. Dưới một gốc cây xà cừ cổ thụ, vạt nắng vàng đang nghiêng chao trên vỉa hè, bạn chợt thấy lòng mình dịu nhẹ khi thấy một đàn chim sẻ mấy trăm con sà xuống đám thóc vàng ươm rồi lại chấp chới bay lên khi có bước chân người qua. Ngồi uống chén trà nóng, ngắm đàn chim thoắt đậu thoắt bay, bạn sẽ có cảm giác như chim sẻ cả Hà Nội tụ về nơi đây. Bà bán hàng cứ tư lự nhìn như thế, bạn khó lòng mà hỏi được nguyên nhân tại sao mỗi ngày bà bỏ tiền ra mua những 2kg thóc để đãi lũ chim trời. Chỉ biết, hơn chục năm nay, người đàn bà không có con cái này, với quán trà đá vỉa hè, dù mưa hay nắng, bất kể tết nhất hay lễ lạt, mùa hè cũng như mùa đông, chưa nghỉ một ngày nào. Đi là để cho lũ chim ăn, ngắm nhìn chúng, đến nỗi có khi quên cả bán hàng. Đến nỗi, khách của bà chỉ là người qua đường hoặc những người cũng thích chim, đến để lặng lẽ ngồi ngắm chúng hơn là uống nước.

Những buổi chiều, đi qua hàng "chim sẻ rán 2.500đ/con", mùi mỡ rán khét lẹt bốc lên, thấy xung quanh cây cối dù nhiều cũng chẳng có con chim nào đến đậu mà không khỏi đắng lòng.