"Khúc đồng dao" của Đỗ Minh Tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Khúc đồng dao" là triển lãm cá nhân của Đỗ Minh Tâm, một trong những họa sỹ tranh trừu tượng quan trọng bậc nhất của hội họa Việt Nam đương thời. Triển lãm còn là dịp để ông ra mắt quyển sách đầu tiên về nghệ thuật của mình, bao quát hoạt động sáng tác liên tục của họa sỹ trong hơn 4 thập kỉ từ những năm 1980 tới nay.

Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm hội họa được sáng tác trong những năm gần đây của họa sĩ và diễn ra từ ngày 11 đến ngày 20-7 tại Art space, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Dù gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng nhờ một người chú ruột nhìn ra năng khiếu vẽ của Đỗ Minh Tâm nên đã hướng ông đi học mỹ thuật. Ông thi hệ trung cấp Mỹ thuật năm 1977, cùng khóa còn có Trương Tân, Hải Minh, Trần Trọng Vũ… Năm 1987 ông tốt nghiệp hệ Đại học và năm 1989 bắt đầu giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trước đó ông dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Họa sĩ Đỗ Minh Tâm

Đỗ Minh Tâm được coi là đại diện cho phong cách trừu tượng miền Bắc với nhận thức, cảm quan táo bạo và sức khai thác mảng màu sắc mạnh chứa nhiều tính năng động, tràn đầy cảm hứng.

Tự bạch về nghệ thuật, Đỗ Minh Tâm cho rằng: “Hội họa phải là điều cảm thấy chứ không phải điều nhìn thấy”. Chính vì thế, khác với đa số trừu tượng biểu hiện ào ạt gay cấn, tượng trưng hào nhoáng hay tối giản trí tuệ cao siêu, hội họa trừu tượng của Đỗ Minh Tâm cân đối chừng mực.

Bảng màu phong phú cam-lục, tím-nâu, lam-hồng... êm nhẹ, các phương chéo xô lệch luôn lấy lại thăng bằng nhờ nét ngang và thắng đứng, tối sáng ở bậc trung gian và trung cảnh thường chủ đạo về chiều sâu không gian.

Một tác phẩm của Đỗ Minh Tâm tại triển lãm cá nhân sắp ra mắt

Nhận xét về nghệ thuật của Đỗ Minh Tâm, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét: "Thẩm mỹ nhân văn của anh đôn hậu khoan hòa. Có lẽ anh đã tự nhiên đi theo tôn chỉ của Wassily Kandinsky, bậc tổ sư trừu tượng Nga: Nghệ thuật là để giúp tế nhị tâm hồn con người chứ không phải là phát minh ra hình thức biểu hiện nào cả”. 

Các tác phẩm trừu tượng đời đầu của họa sĩ được so sánh với những tác phẩm nhỏ giọt của họa sĩ Jackson Pollock trước kia và kỹ thuật phân lớp dày sau này lại được so sánh với họa sĩ De Kooning.

Đặc biệt, nếu chú tâm, người xem có thể quan sát được triết lý của họa sĩ trong chính các tác phẩm được tạo nên. Điều này cũng dễ hiểu khi Đỗ Minh Tâm còn có pháp danh đạo Phật là Tâm Hiếu. Tính an yên, thiền định, tránh xa những ái ố hỉ nộ của cuộc đời hiện rất rõ trong các sáng tác của họa sĩ. Có lẽ thế, xem tranh của Đỗ Minh Tâm luôn cảm thấy nhẹ nhõm, bình yên trong tâm hồn. 

"Khúc đồng dao" của Đỗ Minh Tâm ảnh 3

Sáng tác tranh trừu tượng của Đỗ Minh Tâm từng lên sàn nhà đấu giá Chọn

Đỗ Minh Tâm sinh năm 1963, là giảng viên khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ năm 1989 - 2019.

Họa sĩ đã có nhiều triển lãm cá nhân ở trong nước như Một mình tại gallery 29 Hàng Bài (1993), Ánh sáng vàng tại Sông Hồng gallery (Hà Nội, 1999), Bản concerto màu xanh tại Hanoi Studio Gallery (Hà Nội, 2008), Trở về kí ức tại Eight Gallery (TP. HCM, 2014).

Ông cũng tham gia các triển lãm và trưng bày nhóm quan trọng như Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (1985 - 2010), Tranh trừu tượng tại Hồng Hạc gallery (TP. HCM, 1992), Triển lãm Nghệ thuật đương đại quốc tế tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia Pica Gallery (Perth, Australia, 1994), Triển lãm Châu Á tại Bảo tàng Mỹ thuật Bangkok (Thái Lan, 1996), “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” tại Bruxelles (Belgium, 1998), “Nghệ thuật đương đại Asean” lần thứ XIV tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka (Nhật Bản, 1999)...

Đỗ Minh Tâm tham gia nhiều trại sáng tác trong nước và quốc tế như workshop Tam niên Châu Á-Thái Bình Dương (1995), Trại sáng tác PACI, PACII, PACIII tại Bangkok (Thái Lan, 2006-08), tại Kuala Lumpur (Malaysia, 2008).

Ông được trao giải thưởng mỹ thuật Asean do quỹ Philip Morris tài trợ năm 1996 và Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005.

Tác phẩm của Đỗ Minh Tâm được trưng bày và sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Đại học Edith Cowan (Perth, Australia) cùng nhiều sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế.