Khu đô thị Ao Sào - Lexington Etaste: Bỏ tiền tỷ mua nhà hoang

ANTĐ - Tiếng là khu đô thị mới, nhưng điện chiếu sáng thì “kêu” mãi mới được lắp, đường vào bẩn thỉu, bụi mù mịt suốt ngày, hệ thống nước sạch thì “tịt” hoàn toàn, sổ đỏ cũng bặt vô âm tín... Đó là những nghịch lý mà cư dân của khu đô thị Ao Sào - Lexington Etaste (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải chịu đựng gần 2 năm nay…

Khu đô thị Ao Sào - Lexington Etaste: Bỏ tiền tỷ mua nhà hoang ảnh 1Một trong những tòa nhà trong khu đô thị

Khổ hơn khu tái định cư

Bỏ tiền mua tới 3 căn nhà liền kề tại khu đô thị này, ông Nguyễn Ích Vinh trú tại nhà 14TT3.1 rất tin tưởng về tiến độ và năng lực hoàn thiện hạ tầng của dự án. Thế nhưng từ khi nhận bàn giao nhà vào tháng  12-2014, ông Vinh đã … vỡ mộng. “Lúc tôi mua nhà, nghe họ quảng cáo, hứa hẹn về tiến độ, thời hạn bàn giao thì hay lắm. Nhưng chuyển về ở rồi mới thấy còn cực hơn ở khu tái định cư. Khi nhận nhà, tôi đã thanh toán hết tiền theo đúng hợp đồng ký kết, thậm chí còn phải nộp thêm 7,2 triệu đồng/căn để được Ban quản lý khu đô thị cấp điện nước. Nhưng suốt 2 năm nay nước vẫn chẳng thấy đâu” - ông Vinh bức xúc.


Khu đô thị Ao Sào - Lexington Etaste: Bỏ tiền tỷ mua nhà hoang ảnh 2Gần 2 năm nay, cư dân Khu đô thị Ao Sào - Lexington Estate phải sống nhờ vào nước giếng khoan

Tuy chưa có nước sạch nhưng do bí chỗ ở nên tháng 8-2015, ông Vinh đánh liều chuyển nhà về đây sinh sống và gọi thợ tới khoan giếng để có nước sinh hoạt. Oái oăm ở chỗ, khi ông gọi thợ tới thì Ban quản lý khu đô thị lại không đồng ý. “Họ đuổi thẳng nhóm thợ  tôi thuê ra ngoài và bảo tôi cố đợi thêm vài bữa nữa, chỉ sau khai trương 1 tuần là Ban quản lý sẽ cấp nước cho dân. Thế nhưng, càng đợi thì càng mất hút, tôi buộc phải gọi thợ lần thứ hai, nhưng Ban quản lý vẫn tiếp tục ngăn cản. Bán nhà cho chúng tôi ở nhưng không có nước sạch, cũng không cho dân được khoan giếng, như thế khác nào bảo chúng tôi ăn cơm mà không được dùng bát, đũa?” - ông Vinh nói.

Khu đô thị Ao Sào - Lexington Etaste: Bỏ tiền tỷ mua nhà hoang ảnh 3

Người dân phải tự làm một con đường để đi từ khu đô thị qua làng Giáp Tứ để ra ngoài

Không chỉ riêng nhà ông Vinh mà gần 100 cư dân đã mua nhà tại khu đô thị này hiện đều lâm vào cảnh khóc dở mếu dở. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng ban đại diện khu dân cư Ao Sào tố khổ: “Chuyển về đây sinh sống mới thấy mình dại. Hạ tầng ở đây đều nham nhở và chưa có gì hoàn thiện, gần 2 năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh biệt lập và thiếu thốn. Ngay cả một con đường tử tế dẫn vào khu đô thị cũng chưa có. Muốn ra ngoài chỉ có con đường cấp phối hoang vu, lầy lội và bẩn thỉu dài hơn 1km qua dự án của Công ty Licogi ra đường Tân Mai. Hoặc là đi nhờ con đường bờ mương qua làng Giáp Tứ, nhưng đường này chỉ có thể di chuyển bằng xe máy chứ ô tô thì… chịu chết. Nhiều người dân ở đây khốn khổ vì nửa đêm ốm đau cần đi cấp cứu, nhưng gọi taxi không xe nào dám vào vì họ tưởng đường vào khu đô thị là… đường hoang”.

Sống chết mặc bay

Người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị kêu cứu tới Ban quản lý, nhưng chỉ nhận được sự im lặng nên họ đành bàn nhau tự cứu lấy mình.  Anh  Lê Trung Hiếu ở nhà 12BTT1 được bà con ở đây coi như một “người hùng” vì đã “bất chấp lệnh cấm” để khoan 1 giếng nước và cung cấp nước cho 40 hộ dân xung quanh. Anh Hiếu chia sẻ: “Tôi biết khoan giếng nước ngầm là vi phạm, nhưng không làm thì bản thân tôi và nhiều hộ gia đình ở đây… chết khát. Ban quản lý dự án gần như bỏ rơi chúng tôi theo kiểu “sống chết mặc bay” vì đằng nào tiền của chúng tôi họ cũng thu hết rồi”. 

Để có thể sống được tại khu đô thị này, anh Hiếu phải đầu tư 1 hệ thống giếng khoan cỡ lớn với đầy đủ giàn mưa, bể lọc, bể khử khuẩn… trị giá 65 triệu đồng trên sân thượng mà anh gọi vui là “Xí nghiệp nước sạch sông nhà”. “Nước ngầm ở đây rất bẩn, nhưng chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Bà con bàn nhau mỗi tháng góp cho tôi tiền điện, tiền mua vật tư và khấu hao máy móc để có nước sinh hoạt hàng ngày. Đến nay, giếng khoan này đã phục vụ cư dân trong khu đô thị được gần 1 năm. Chỉ mong Ban quản lý hoàn thiện hệ thống nước sạch cho dân để tôi “giải thể” cái nhà máy nước của mình bởi hiện nó đã quá tải rồi” - anh Hiếu nói.

So với các hộ dân trong khu, gia đình anh Vũ Mạnh Hiển ở nhà 12TT6.1 may mắn hơn cả bởi đã xin mua được nguồn nước sạch của 1 hộ dân trong làng Giáp Nhị. Tuy nhiên, giá nước cũng không hề rẻ, lên tới gần 50.000 đồng/m3. “Dù rất tiết kiệm nhưng trung bình mỗi tháng gia đình tôi cũng mất gần 1 triệu đồng. Biết là đắt nhưng vẫn phải cắn răng mà chịu, còn hơn phải dùng nước giếng khoan”.

Không những thế, dù đã trả hết tiền và nhận nhà đã 2 năm nay, nhưng những lời hứa hẹn của chủ đầu tư về việc trả sổ đỏ cho người dân trong năm 2015 đến nay vẫn chỉ là lời hứa. “Họ bảo cư dân cứ chờ, nhưng với đà này thì chưa biết chờ đến bao giờ. Rõ ràng nhà của tôi bỏ tiền ra mua, nhưng bây giờ nếu có nhu cầu mua bán, sang nhượng, hay thế chấp ngân hàng, chúng tôi đều không thể thực hiện được” - anh Hiển bức xúc.

Trước những vấn đề người dân nêu, phóng viên Báo ANTĐ đã liên lạc với ông Nguyễn Trung Tuyến, Đại diện Ban quản lý Khu đô thị Ao Sào - Lexington Estate để tìm câu trả lời nhưng ông Tuyến từ chối tiếp xúc với lý do phải có sự đồng ý của cấp trên. Khi phóng viên hỏi, cấp trên là ai và xin địa chỉ văn phòng để đến làm việc thì ông Tuyến tưng tửng: “Người dân nào kiến nghị thì các anh đi gặp họ mà hỏi. Tôi không biết”.

Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.