"Không thời gian" qua lối vẽ hiện thực

ANTĐ -Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng /Hương thời gian thanh thanh… (Đoàn Phú Tứ). Những câu thơ đầy vẻ đẹp Tượng trưng của Đoàn Phú Tứ lại như có mối giao cảm với triển lãm hội họa Không thời gian vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm hội họa của ba họa sĩ trẻ người Hải Phòng mang tiêu đề “Không thời gian” qua lối vẽ hiện thực là những câu chuyện đời, về quy luật sinh tồn, tồn tại của con người và thiên nhiên, không phụ thuộc vào thời gian.

Mặc dù mới làm quen với chất liệu thuốc nước từ năm 2010, Không thời gian đối với họa sĩ Bùi Duy Khánh (sinh 1972) là câu hỏi về sự tuần hoàn của tình yêu muôn thủa bến bờ và biển cả, nhịp chuyển vận của vũ trụ qua những đối tượng nghệ thuật rất giản dị như kè chắn sóng, biển mùa đông, hoa trái… tất cả cảm xúc trong sáng được nhấn nhá bằng những nét bút nhỏ vẽ thuốc nước, chậm rãi, thủ thỉ, màu tươi, bộc lộ sự quan sát tinh tế của bản năng hội họa và kỹ thuật phối màu khá điêu luyện. Có một chút bâng khuâng, mong manh, da diết của kẻ phong trần khao khát tự do nhìn cảnh mà như kể một câu chuyện về tình người qua thiên nhiên.

Một tác phẩm của họa sỹ Bùi Duy Khánh tại triển lãm.

Không thời gian đối với Vũ Ngọc Vĩnh (sinh 1978) là câu chuyện của những kiếp người, vòng tuần hoàn hư hoại, sinh diệt, luân hồi của đời sống con người. Theo đuổi hội họa hiện thực, Vũ Ngọc Vĩnh yêu thích lối tạo hình và bố cục tác phẩm đông nhân vật của nhóm họa sĩ Hội họa lưu động Nga với những tên tuổi I. Repịn, V.I. Surikov, V. Serov… Vũ NgọcVĩnh nhất quán hướng câu chuyện hội họa của mình về đời sống người cần lao, từ những người thiểu số lam lũ qua các sáng tác giai đoạn trước  cho đến bác ngư dân miền biển, một đám tang, quán nước… trong triển lãm Không thời gian. Những thân phận người nhiều mất mát, tiếc thương, giằng co toan tính, nhưng vẫn luôn tìm đến nhau, quần tụ bền chặt để hy vọng… màu sắc nhuốm vẻ bàng bạc, cũ kỹ cùng những nhân vật cục mịch, trầm tư, chân chất như được tạo ra từ đất đai.

Cùng với Vũ Ngọc Vĩnh chủ động rứt bỏ những cơ hội vẽ tranh theo thị hiếu thị trường đảm bảo cuộc sống an nhàn, sung túc để làm nghệ thuật đích thực, Không thời gian với Mai Duy Minh (sinh 1976) là những ám ảnh siêu thực về cuộc sống mưu sinh của kiếp người. Con người tồn tại với bao vấn nạn đè nặng: cái đói, cái nghèo, những lo toan cơm áo triền miên được họa sĩ khắc họa bằng những tranh khổ lớn với kỹ thuật vẽ sơn dầu cổ điển đạt đến độ ngày càng hoàn thiện hiếm thấy trong thế hệ họa sĩ đương thời hiện nay.

Thần tượng các bậc thầy cổ điển như Bosch và đặc biệt là họa sĩ Hà Lan Rembrant van Rijn (1606-1669), Mai Duy Minh kế thừa luôn cả cái ánh sáng hư ảo trong sâu, ám ảnh mà rạng rỡ, màu sắc nâu vàng của Rembrant trong những bức tranh khổ lớn. Là một người lãng mạn, duy mỹ và cầu toàn cực đoan trong nghệ thuật, dường như câu chuyện nghệ thuật của Mai Duy Minh luôn đầy ắp chi tiết và suy tư thi ca cho nên chỉ có những đạỉ cảnh, bố cục lớn mới có thể hàm chứa nổi tư duy bay bổng của nghệ sĩ. Chính những tranh bố cục khổ lớn, thể hiện con người và cảnh vật trôi dạt, vật vã tồn tại trong không gian khắc nghiệt vô định, có thể coi như những bản giao hưởng trong hội họa, là nơi dành cho họa sĩ vùng vẫy kỹ thuật sơn dầu cổ điển và ánh sáng, màu sắc liêu trai, của mình để nói về cuộc đời con người, những giá trị sống bất biến, trường tồn của cả nhân loại, đã chia sẻ tình cảm nhân văn nghệ sĩ, xác lập nên tài năng nghệ thuật của Mai Duy Minh,

Có lẽ, từ thời kỳ thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay, sẽ rất lâu nữa, trong Mỹ thuật Việt Nam mới có thể xuất hiện một tác phẩm nghệ thuật khác đạt đến tầm cỡ Miền đất hứa của Mai Duy Minh trong triển lãm Không thời gian. Không phải vì tranh có kích thước to 540 x 200cm, mà bởi vì kỹ thuật sơn dầu thể hiện khá hoàn hảo và hình tượng nghệ thuật đạt đến độ cô đọng, chắt lọc có tính biểu tượng, có tính triết học. Không lệ thuộc vào những chỉ dấu, mô tip có tính văn hóa địa phương, vùng miền mà đề cập chung vấn đề nhân sinh của cả nhân loại. Khi nghệ thuật vượt qua khỏi những yếu tố địa phương, hương xa (exotic) thì lúc đó mới mang một tầm vóc khác, được chia xẻ bởi những giá trị chung mà nhân loại có thể thông hiểu được. Mai Duy Minh có thể sẽ vẽ thêm nhiều tranh khác to hơn, kỹ thuật hoàn thiện hơn, đẹp hơn nhưng đạt đến sức nặng nghệ thuật và tinh thần như tranh Miền Đất Hứa thì có lẽ khó bởi vì bức tranh là thời khắc Mặc khải của nghệ sĩ mất rồi. Mai Duy Ninh đã làm việc tận lực để mài giũa tảng quặng thành phiến ngọc của mình.

Một tác phẩm của họa sỹ Vũ Ngọc Vĩnh tại triển lãm. 

Các bậc thầy trong mỹ thuật Việt Nam vẽ rất đẹp, rất tài hoa nhưng mọi người khi đánh giá nghệ thuật của các họa sĩ bậc thầy đó thường chỉ nhớ mang máng về phong cách nghệ thuật của họ, nhưng ít bậc thầy có được những tác phẩm “để đời”, nhắc đến tên là nhớ ngay đến nghệ thuật và tác phẩm đó như Nguyễn Sáng với Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ; Nguyễn Gia Trí với Vườn xuân Trung Nam Bắc, Tô Ngọc Vân với Thiếu nữ bên hoa Huệ… Cũng có các nghệ sĩ khác có thể làm nghệ thuật với nhiều hình thức , chất liệu và đạt tới nhiều vẻ đẹp, thông điệp nghệ thuật khác nhưng lối đi của Mai Duy Minh là độc đạo, duy nhất, chỉ có rất ít nghệ sĩ Việt Nam là có đủ nghị lực đánh cược với niềm say mê nghệ thuật theo hướng này.

Giá như Bảo tàng mỹ thuật quốc gia hoặc các đại gia Việt Nam (vốn có thể chi rất nhiều tiền cho việc mua chân cầu thủ bóng đá, mua chân dài, máy bay…) nếu ai có tâm và có tầm văn hóa thì nên sưu tập Miền đất hứa bởi nếu tác phẩm lọt vào tay người sưu tập nước ngoài thì thật đáng tiếc cho công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam.

Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát…

Trong sự xô bồ và hỗn tạp các giá trị của đời sống nghệ thuật hôm nay, triển lãm Không thời gian như một cử chỉ nghệ thuật đường bệ, khoan thai, không xu thời vội vã, là kết quả nỗ lực lao động nghiêm túc của ba nghệ sĩ trẻ. Thành tựu nghệ thuật của họ đạt được là đáng trân trọng, Không thời gian chắc chắn là một trong những triển lãm mỹ thuật có chất lượng nhất trong năm 2011.