Không thi vẫn đỗ tốt nghiệp THPT

ANTĐ - Xuất hiện nhiều kiến nghị với Bộ GD-ĐT về quy định bảo lưu điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 khi mà kỳ thi năm nay có nhiều điểm không đồng nhất, dẫn tới khả năng thí sinh trượt tốt nghiệp năm ngoái lại có thể đỗ năm nay mà không cần phải dự thi.

Nhiều điểm chưa công bằng trong xét tốt nghiệp THPT 2014 cho các thí sinh

Bất hợp lý trong cách tính điểm

Sau hướng dẫn chính thức của Bộ GD-ĐT về thi tốt nghiệp THPT 2014, nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra những điểm bất hợp lý trong cách tính điểm mới năm nay. Theo đó, Điều 33 quy chế thi tốt nghiệp THPT mục công nhận tốt nghiệp đối với giáo dục thường xuyên (GDTX) quy định, đối với thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó nếu có quy định thi các môn đó. Trong khi đó, theo hướng dẫn chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo và công nhận tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp ở GDTX trong kỳ thi năm 2013 nếu có điểm bảo lưu của cả 4 môn đăng ký thì không phải dự thi. Bộ GD-ĐT nói rõ, nếu thí sinh đã đăng ký bảo lưu điểm thi thì không được dự thi các môn này. 

Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội, quy định này là một kẽ hở trong thi cử. Ví dụ một thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2013 vì không đủ 30 điểm/6 môn, tuy nhiên 4 môn Ngữ văn, Toán, Hoá học, Vật lý của thí sinh này vẫn đạt 5 điểm thì em này đương nhiên đỗ tốt nghiệp THPT năm 2014. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc loại ra hai môn dưới điểm trung bình, chỉ tính 4 môn đạt 5 điểm trở lên, không yêu cầu thi lại vẫn được công nhận tốt nghiệp THPT là mâu thuẫn với quy định cũ và sẽ gây ra nhiều thắc mắc với những thí sinh phải thi 4 môn năm nay. 

Bên cạnh đó, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy sự khác biệt về chính sách gây thiệt thòi cho thí sinh tự do của hệ THPT khi được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp GDTX nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp GDTX. PGS Văn Như Cương cho rằng quy định này không hợp lý: “Trong khi thí sinh hệ THPT trượt tốt nghiệp phải thi lại cả 4 môn theo tư cách thí sinh tự do thì việc thí sinh GDTX nghiễm nhiên tốt nghiệp mà không phải thi lại là không công bằng”. 

Có khả năng đỗ tốt nghiệp 100%

Ngoài thắc mắc về cách thức xét tốt nghiệp nói trên, vấn đề phát sinh tiêu cực trong quá trình tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay cũng được nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ đặt ra. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trong tình hình tiêu cực với bệnh thành tích trong trường học hiện nay, việc Bộ GD-ĐT chỉ dựa vào điểm trung bình năm lớp 12 và điểm 4 môn thi là không chính xác. “Tôi cũng đồng tình với ý kiến của PGS Văn Như Cương cho rằng, với cách tính như hiện nay, năm nay thi tốt nghiệp THPT có thể học sinh sẽ đỗ 100%” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh. 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu muốn đánh giá cả quá trình học tập của học sinh bên cạnh điểm thi thì không nên chỉ lấy riêng kết quả lớp 12 mà  phải đánh giá quá trình cả 3 năm học PTTH gồm lớp 10, 11, 12. Trong tình hình hiện tại, không nên cơ cấu 50/50 mà chỉ nên cơ cấu 30/70. Nghĩa là cộng điểm của 3 năm lớp 10, 11, 12 sau đó chia trung bình và số điểm này chỉ cơ cấu 30% để đánh giá tốt nghiệp PTTH. Vì nếu Bộ chỉ đánh giá năm học lớp 12 và trong tình hình hiện nay, khi mà hiện tượng tiêu cực ở các nhà trường vẫn còn thì việc tính điểm xét tuyển như vậy sẽ không sát với chất lượng học. Việc chỉ lấy điểm năm lớp 12, nhất là trong thời điểm hiện tại chưa kết thúc năm học, cho nên các trường vẫn có thể “luồn lách” để thay đổi, nâng điểm cho học sinh.

Đưa ra đề xuất của mình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng trong tình hình hiện nay, để đảm bảo cân đối giữa yêu cầu đổi mới đánh giá thi của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn phải sát với thực tế dạy học thì việc xét tốt nghiệp THPT của các thí sinh cần điều chỉnh theo hướng tính điểm trung bình các năm học ở mức 30%, còn 70% là do điểm thi 4 môn quyết định.