Không thể xem nhẹ nguy cơ xảy cháy nơi đông người

(ANTĐ) - Cầu thang thoát nạn không đảm bảo an toàn; hệ thống đèn chiếu sáng gặp sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống báo cháy tự động không hoạt động; lực lượng PCCC cơ sở không đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định, không vận hành được các hệ thống PCCC đã được trang bị… đó là những bất cập, tồn tại trong công tác PCCC ở các cơ sở tập trung đông người trên địa bàn Hà Nội.

Không thể xem nhẹ nguy cơ xảy cháy nơi đông người

(ANTĐ) - Cầu thang thoát nạn không đảm bảo an toàn; hệ thống đèn chiếu sáng gặp sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống báo cháy tự động không hoạt động; lực lượng PCCC cơ sở không đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định, không vận hành được các hệ thống PCCC đã được trang bị… đó là những bất cập, tồn tại trong công tác PCCC ở các cơ sở tập trung đông người trên địa bàn Hà Nội.

Vi phạm tràn lan

Hiện trường vụ cháy nhà hàng Điểm hẹn ca nhạc đêm Tây Hồ
Hiện trường vụ cháy nhà hàng Điểm hẹn ca nhạc đêm Tây Hồ

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội cho biết: sau một số vụ hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở tập trung đông người như: vụ cháy tại nhà hàng Điểm hẹn ca nhạc đêm Tây Hồ, ngõ 614 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ ngày 4-1-2010, làm 1 người chết; vụ cháy tòa nhà 14 tầng kinh doanh dịch vụ karaoke, tại 194 Trần Duy Hưng ngày 1-5-2010… đơn vị đã chỉ đạo các Đội PCCC, phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã… tổng kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở tập trung đông người trên địa bàn Thủ đô.

Sau 3 tháng triển khai (15-8 đến 15-11-2010), Cảnh sát PCCC đã kiểm tra tổng số 924 cơ sở gồm: cơ sở khám chữa bệnh, trường học, nhà hát, rạp chiếu phim, vũ trường, quán bar. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã kiến nghị hàng trăm thiếu sót, tồn tại về PCCC, lập biên bản xử phạt hành chính 23 cơ sở vi phạm quy định an toàn PCCC.

Trong đó, chỉ có 66/924 cơ sở tập trung đông người lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, 121/924 cơ sở lắp đèn chỉ dẫn thoát nạn. Đáng chú ý, chỉ ¼ cơ sở tổ chức thực tập phương án chữa cháy định kỳ hàng năm, việc tổ chức phương án vẫn còn mang tính hình thức.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội: trong số hơn 900 cơ sở đã được kiểm tra, 233 cơ sở có lực lượng PCCC tại chỗ không đảm bảo số lượng, chất lượng, không vận hành được tất cả các hệ thống PCCC được trang bị. Điển hình như lực lượng PCCC tại Câu lạc bộ Hale Club; bệnh viện Đa khoa Ba Vì… Đây chính là nguyên nhân khiến hỏa hoạn nếu xảy ra sẽ bùng phát lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, một cán bộ Đội kiểm tra PCCC khẳng định.

Báo cáo kết quả kiểm tra công tác PCCC các cơ sở tập trung đông người cho thấy, trong số 924 cơ sở đã kiểm tra, chỉ có 30 cơ sở được cơ quan PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC. Thực tế trên phản ánh rõ những bất cập, thiết sót trong công tác PCCC các cơ sở tập trung đông người trên địa bàn Thủ đô hiện nay.

Giải pháp kỹ thuật mang tính đối phó

Thông kê của Phòng Cảnh sát PCCC -  CATP Hà Nội những năm gần đây, trung bình mỗi năm có hơn 60% các vụ cháy nguyên nhân xác định do chập điện.

Với đặc thù địa bàn có nhiều trung tâm thương mại sầm uất, các khu vui chơi giải trí, vũ trường, khách sạn, quán bar,  karaoke… nơi tập trung đông người như Hà Nội, việc ngăn chặn cháy do chập điện đáng ra phải được chủ các cơ sở đặc biệt coi trọng... song  đợt kiểm tra vừa qua không cho thấy điều đó. Nhiều quán karaoke, quán bar… lắp đặt các thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, dây điện lắp chèn lên các vật liệu dễ cháy như: mút, xốp, ván ép… dùng để trang trí nội thất và cách âm.

Tiềm ẩn nguy cơ chập cháy là vậy, nhưng cầu thang thoát nạn tại các cơ sở tập trung đông người hiện nay lại không đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật. Các cơ sở đều xây dựng cầu thang thoát nạn dạng hở, không có hệ thống điều áp buồng thang nên không ngăn được khói độc tràn vào khi hỏa hoạn xảy ra. Vụ cháy tại phòng 301, tòa nhà 14 tầng kinh doanh dịch vụ karaoke ở đường Trần Duy Hưng là một ví dụ.

Vụ cháy xảy ra vào đầu giờ sáng, thời điểm chưa có khách, nhưng cũng gây hoảng loạn cho các nhân viên. Lửa bùng phát tại phòng 301, tầng 3 và nhanh chóng bịt kín lối thoát nạn của các nhân viên đang ở tầng trên. Lo sợ, nhiều người trong số họ đã thoát nạn bằng cách trèo từ tầng 4 tòa nhà sang mái nhà bên cạnh, thoát xuống đất, số khác chọn giải pháp… đu dây thoát nạn.

Vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại các cơ sở tập trung đông người cũng khá phổ biến. Nguồn lửa, nguồn nhiệt tại đây thường để gần các vật liệu dễ cháy; bãi để xe không có thiết bị, phương tiện PCCC và biện pháp chống cháy lan; một số nhà hàng tái sử dụng các bình gas mini, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC: Trên cơ sở các tồn tại nêu trên, đơn vị sẽ báo cáo Ban Giám đốc CATP Hà Nội, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành các văn bản, quy định về tiêu chuẩn PCCC tại các cơ sở tập trung đông người… Lực lượng công an cũng sẽ kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở tập trung đông người phải lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy khô trong nhà, phòng khi không may xảy ra hỏa hoạn, Cảnh sát PCCC có thể sử dụng xe chữa cháy đẩy nước từ dưới đất, tổ chức cứu chữa tại những khu vực khó tiếp cận, đảm bảo việc chữa cháy phát huy hiệu quả.

Thu Hạnh