Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định):

Không thể vì vi phạm xảy ra mà để cả hệ thống của ngành y tế tê liệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, khi những biến cố trong ngành Y tế dồn dập xảy ra, dù những “con sâu” đã bị loại bỏ khỏi hệ thống, nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai.

Không ngồi chờ diễn biến của dịch Covid-19 mà phản ứng linh hoạt

Mở đầu phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhận định, số lượng bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện còn rất ít, nhiều ngày nay số ca tử vong gần như không có. Điều đó cho thấy dịch bệnh Covid-19 đang sang giai đoạn thoái trào, nhưng chúng ta cũng không tuyên bố chính thức chấm dứt Bệnh truyền nhiễm nhóm A - theo quy định được khám và điều trị miễn phí.

“Khi những biến cố trong ngành y tế dồn dập xảy ra, dù những “con sâu” đã bị loại bỏ khỏi hệ thống, nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được hướng đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

“Khi những biến cố trong ngành y tế dồn dập xảy ra, dù những “con sâu” đã bị loại bỏ khỏi hệ thống, nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được hướng đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc điều trị, chi trả tiền khám chữa bệnh cũng như các bệnh khác. Khi coi Covid-19 là bệnh chuyên khoa không có nghĩa hạ thấp sự nguy hiểm của nó mà chúng ta vẫn theo dõi sát, phản ứng linh hoạt.

Có 3 chỉ số cần theo dõi là xét nghiệm thăm dò, phát hiện sớm các biến chủng mới, ghi nhận sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong cộng đồng, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng phải nhập viện. Khi những chỉ số này phát sinh vấn đề, cần lưu ý cơ quan quản lý Nhà nước chuyển trạng thái chống dịch. Nghĩa là chúng ta không ngồi chờ diễn biến của Covid-19 mà phản ứng linh hoạt.

“Đã đến lúc trở lại trạng thái bình thường cũ để hướng đến mục tiêu mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, tránh quá tải hệ thống y tế để các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường bên cạnh bệnh Covid-19” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh - “Để phòng chống dịch, chúng ta vẫn khuyên người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, ai nhiễm bệnh nên ở nhà, nếu có dấu hiệu chuyển nặng thì vào viện điều trị. Người nhiễm bệnh nhẹ và không triệu chứng vẫn nên hạn chế tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhóm nguy cơ cao. Tuy vậy, việc cách ly người bệnh không nên cực đoan như trước, bất cứ ai nhiễm bệnh nhưng đã xét nghiệm âm tính có thể đi làm lại bình thường”.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc của hệ thống y tế Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng bày tỏ trăn trở, sau đại dịch Covid-19, còn nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại của ngành Y tế Việt Nam mà chúng ta vẫn loay hoay chưa tháo gỡ được. Điều quan trọng là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt ngành Y tế sẽ diễn ra thế nào. Không thể vì vi phạm xảy ra mà để cả hệ thống tê liệt.

Những khó khăn trong mua sắm thiết bị, đấu thầu thuốc men hiện đang là nỗi lo lớn nhất của các bệnh viện công và tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn ít hơn. Một số bệnh viện công không đủ cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng đành bó tay nản lòng.

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc của hệ thống y tế Việt Nam, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị một số giải pháp:

- Thứ nhất, rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi trong kỳ này, thông qua tại kỳ tiếp theo.

- Thứ hai, giám sát Chính phủ ban hành sớm các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng hệ thống y tế như khuyến nghị giảm cấp độ dịch

Covid-19, như hướng dẫn quyết toán chi phí chống dịch, thống nhất thanh toán chi trả Bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể.

- Thứ ba, có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành, có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng, thu hút tài năng nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành Y tế hiện nay.

Cuối cùng, chia sẻ tâm tư với tư cách là một bác sĩ vẫn đang thường xuyên trực tiếp điều trị người bệnh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu mong muốn các vị lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà các bác sĩ đang gặp phải không chỉ về vật chất cần có sự cảm thông cả về tinh thần, trong đó phương hướng phát triển y tế rõ ràng là điều cần nhất trong lúc này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn): Góc khuất, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất

- Thứ nhất, tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta. Không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này thắng với mức đấu giá cao chót vót, sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như đẩy giá đất, có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu và nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để đánh võng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng. Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời.

- Thứ hai, tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất. Các thủ đoạn trong đấu giá đất, giá của lô bị thao túng gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là những vi phạm về quy định về đấu giá, đấu thầu.

- Thứ ba, tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước. Sẽ không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có “tay trong”. Ở mức độ vi phạm đơn giản thì cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin để có thể trúng giá rẻ. Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn là sự cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích rút ruột của Nhà nước.

- Thứ tư, tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá. Thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn, trong khi cơ chế kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất nói riêng.

Những chiêu trò quân xanh, quân đỏ, thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất nêu trên đã gây ra những hệ lụy rất lớn với kinh tế - xã hội, đề nghị cần phải mạnh tay xử lý. Kiến nghị Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong hoạt động này.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên): Có một số biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán

Trước tiên, đó là vấn đề chậm giải ngân trong thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022 -2023, theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý, do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn…

Ngoài ra, có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành, các lĩnh vực đó. Cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý Nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.

Tin cùng chuyên mục