Không thể trì hoãn tăng lương tối thiểu vùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các chuyên gia lao động, cần thay đổi cách nhìn nhận vấn đề tăng lương tối thiểu vùng như là sự “thắng - thua” bằng việc hiểu theo hướng đôi bên cùng có lợi, người lao động được hưởng mức lương cao hơn, năng suất lao động tăng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp.

Tiền lương chưa tương xứng với sức lao động

Hồi đầu tháng 4-2022, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã “chốt” phương án khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% kể từ ngày 1-7-2022. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này vẫn còn có ý kiến trái chiều. Cụ thể, 8 hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ hoãn tăng lương tối thiểu vào thời điểm nói trên.

Bàn về nội dung này, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc cấp bách kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt, trải qua 2 năm dịch bệnh liên tiếp, những vấn đề như tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm càng trở nên trầm trọng hơn.

Tăng lương tối thiểu tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống và hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Tăng lương tối thiểu tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống và hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và công đoàn, có 5% công nhân được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt, cá (chỉ 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng có ăn (3 lần/tuần); 41% cho biết chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền. Đối với lao động nhập cư, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải vay tiền để bảo đảm cuộc sống, 35,6% thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải đi vay. Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện hồi tháng 3-2022 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng.

Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng được thiết lập chủ yếu chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu về mặt sinh học. Cú sốc đại dịch Covid-19 và tình trạng tăng giá như hiện nay đang đặt ra yêu cầu cần tính toán và xây dựng mức lương đủ để bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu thấp khiến người lao động bị vắt kiệt sức khi buộc phải đăng ký tăng ca, làm thêm để có thể duy trì cuộc sống tối thiểu (hầu như không có tích lũy, dự phòng). Công nhân lao động phải được làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc nên họ cần được đảm bảo tiền lương để chi trả cho sinh hoạt của bản thân và gia đình.

TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Phân tích về mối quan hệ giữa tiền lương mà mức sống, TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn chia sẻ, ở Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng được thiết lập chủ yếu chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu về mặt sinh học. Cú sốc đại dịch Covid-19 và tình trạng tăng giá như hiện nay đang đặt ra yêu cầu cần tính toán và xây dựng mức lương đủ để bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu thấp khiến người lao động bị vắt kiệt sức khi buộc phải đăng ký tăng ca, làm thêm để có thể duy trì cuộc sống tối thiểu (hầu như không có tích lũy, dự phòng). Công nhân lao động phải được làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc nên họ cần được đảm bảo tiền lương để chi trả cho sinh hoạt của bản thân và gia đình.

Nước lên, thuyền lên

Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện thỏa thuận về chế độ tiền lương giữa người lao động và doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là vấn đề bình thường. Dù vậy, cần thay đổi cách nhìn nhận về việc thương lượng tiền lương. Theo TS Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, việc trả lương đủ sống cho người lao động là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Nhưng đôi khi các bên thường nhìn nhận vấn đề tăng lương theo kiểu thắng - thua, chứ không phải đôi bên cùng thắng. Người lao động khi được hưởng mức lương cao hơn, năng suất lao động tăng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp.

Còn theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Tiền lương đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta phải có đội ngũ lao động tốt. Muốn vậy, chúng ta phải chăm sóc để người lao động có cuộc sống tốt, nâng cao trình độ, tiền lương là giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu đó”.

Phân tích dưới góc độ của tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho người lao động sớm cải thiện cuộc sống, vừa hỗ trợ tích cực cho hai bên trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động tập thể, đình công phát sinh. Việc này được thực hiện sớm cũng góp phần động viên tinh thần người lao động, giảm thiểu tình trạng ngừng việc tập thể, và quan trọng hơn là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định cả trước mắt lẫn lâu dài.

Giải pháp nào hài hòa lợi ích các bên?

Xung quanh việc tăng lương tối thiểu rõ ràng có những ý kiến khác nhau, điều này xuất phát từ góc nhìn của mỗi bên. Tất nhiên, bên nào cũng có lý lẽ của mình. Dưới góc độ nghiên cứu, TS Đỗ Quỳnh Chi cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp không nên chỉ hướng vào Nhà nước để xin hỗ trợ. Thực tế, đối tượng giữ “túi tiền” của doanh nghiệp xuất khẩu chính là các nhãn hàng. Các doanh nghiệp trong nước cần đoàn kết với nhau, thương lượng, đàm phán lại với các nhãn hàng. Bởi đời sống người lao động khó khăn và tăng lương tối thiểu là bất khả kháng vì lợi ích của họ. Các nhãn hàng cũng không thể nào từ chối tăng giá đơn hàng chỉ vì tăng lương tối thiểu.

Thời gian qua, các nhãn hàng ngành da giày đã tăng giá đơn hàng từ 5 - 10%. Năm 2022, ngành dệt may sẽ tăng giá đơn hàng khoảng 3%. Trong khi đó, lương tối thiểu hay lương cơ bản chiếm tỉ lệ thấp (60% hệ thống lương thời gian và chiếm khoảng 40% thu nhập của người lao động). Do vậy, các doanh nghiệp nên tăng một phần lương cơ bản thay vì chỉ tăng trợ cấp, phụ cấp cho người lao động. Làm như vậy, doanh nghiệp không bị động khi lương tối thiểu được điều chỉnh, người lao động cũng được hưởng lợi vì mức đóng Bảo hiểm xã hội của họ cao lên.

TS Đỗ Quỳnh Chi cũng cho rằng, thực tế sẽ có hiện tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm các cắt giảm một số khoản tiền của người lao động (như khoản phúc lợi, trợ cấp, thưởng, tăng định mức sản phẩm…) để bù đắp chi phí tăng lương tối thiểu. Đây là lúc công đoàn cơ sở cần vào cuộc để giám sát doanh nghiệp, tránh cho người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi. Trong tình hình hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đối thoại với các hiệp hội nhãn hàng (nơi có rất nhiều nhãn hàng lớn của Việt Nam) về điều kiện lao động và tiền lương của người lao động. Dịch bệnh Covid-19 cho thấy, duy trì chuỗi cung ứng là câu chuyện toàn cầu. Trách nhiệm hỗ trợ người lao động cũng là của các nhãn hàng, không chỉ riêng các quốc gia đơn lẻ như Việt Nam.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã “chốt” mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% sau gần 2 năm “lỗi hẹn”. Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến xoay quanh mối quan hệ giữa tăng lương và phục hồi, phát triển kinh tế. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động đều đang gặp khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng. Dù tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi nó giúp người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn.